REVIEW SÁCH CHA GIÀU CHA NGHÈO

Tác giả: Robert T. Kiyosaki

Đại đa số những học sinh, sinh viên đại học trong chúng ta đây vẫn được các bậc cha mẹ gắn cho một tư tưởng rằng: “Hãy cắp sách đến trường đi, cố gắng mà học để sau này kiếm được một việc làm ổn định, an toàn!”. Nhưng trong thời đại kinh tế hiện nay thì liệu lời khuyên đó vẫn còn nguyên giá trị? Liệu có phải cứ giỏi thì sẽ giàu? Chưa hẳn là vậy đâu! Đừng bao giờ đinh ninh rằng cứ học giỏi thì bạn sẽ trở nên giàu có! Ngoài kia có biết bao người có tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi hẳn hoi nhưng tại sao họ vẫn phải cất tấm bằng ấy vào tủ rồi vác mặt đi làm thuê với đồng lương rẻ mạt? Nguyên nhân của tình trạng đó là do đâu? Đó chính là do chúng ta vẫn chưa thật sự có hiểu biết đầy đủ về kiến thức kinh doanh và quản lý tài chính của cá nhân mình. Cho nên người giàu thì vẫn cứ giàu còn nghèo lại càng nghèo thêm! Hãy đến với cuốn sách Cha giàu cha nghèo - Rich dad poor dad, cuốn sách sẽ chỉ giúp bạn có cái nhìn thấu đáo hơn về nguyên tắc làm giàu thông minh!

1162-cha-giau-cha-ngheo-1.jpg

Cuốn sách là kết quả của sự hợp tác giữa Robert T. Kiyosaki và Sharon L. Lechter - một người là nhà đầu tư tài giỏi, là thầy giáo của “trường học triệu phú”, còn một người là kế toán trưởng có kinh nghiệm đồng thời cũng là một người mẹ luôn quan tâm đến sự trưởng thành của con cái. Vì muốn mọi người đặc biệt là những bậc cha mẹ, những người trẻ đang sống trong xã hội hiện đại này có cái nhìn đầy đủ về đồng tiền mà cả hai đã dồn hết tâm huyết để đem đến cho bạn đọc một cuốn sách có giá trị: Cha giàu cha nghèo. Cuốn sách chính là một công cụ giáo dục tốt cho tất cả những ai có hứng thú đối với việc nâng cao khả năng kinh doanh và cải thiện tình hình tài chính của mình!

Quay trở lại với câu nói: “Hãy cắp sách đến trường cố gắng mà học để sau này có một việc làm ổn định, an toàn” - tưởng như là một lời khuyên đúng đắn nhưng theo Robert đó lại chính là lời khuyên nguy hại nhất mà cha mẹ dạy cho bọn trẻ. Bạn có biết rằng, luật chơi nhà giàu khác, còn luật chơi của quảng đại quần chúng là học hỏi từ nhà trường. Giáo dục là điều kiện cơ bản để thành đạt nhưng kĩ năng về kinh tế và kĩ năng giao tiếp cũng có tầm quan trọng không kém gì kĩ năng giảng dạy của nhà trường.

Cha giàu cha nghèo là những bài học mà Robert rút ra khi cùng một lúc được học hỏi từ hai người cha: một người được học hành tử tế khuyến khích anh cố gắng làm việc cho xí nghiệp, còn người cha nuôi lại khuyên anh có một xí nghiệp cho riêng mình, dạy anh biết thuê người thông minh, nắm bắt quy luật luân chuyển của đồng tiền, bắt tiền làm việc cho mình chứ không làm việc vì tiền. Nói như vậy bạn có thể đủ để bạn biết được ai là cha giàu, ai là cha nghèo rồi. Mặc dù cả hai đều là những người giàu có. Thế nhưng người cha nghèo hay chính người cha ruột của tác giả lại gặp rất nhiều rắc rối về vấn đề tài chính, còn người cha giàu lại vô cùng tự do về khoản đó! Vì sao vậy? Hai người cha, mỗi người tiến tới thành công theo hai con đường khác nhau, cả hai đều đòi hỏi phải học tập nhưng bài học của họ lại chẳng giống nhau chút nào. Quan điểm sống của hai người ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của Robert và ông đã chọn cách học theo người cha giàu! Ông nhận ra rằng: “Nếu bạn động viên con em mình đi làm thuê đồng nghĩa rằng bạn bắt con em mình suốt đời đóng góp quá mức phận sự của chúng để nhận được chút tiền dưỡng lão ít ỏi khi về già”. Trong nền kinh tế này đừng học cách chơi an toàn mà hãy chơi một cách thông minh, biết cách vượt lên kẻ khác!

Tìm mua: Cha Giàu Cha Nghèo

Hai người cha - hai quan điểm về đồng tiền!

Người cha nghèo - người được học hành tử tế nói: “Tiền là nguồn gốc của mọi tội ác” trong khi đó cha giàu - người chưa học hết hai năm trung học quốc lập cũng chính là người giàu có nhất Hawai cho rằng: “Nghèo hèn là nguồn gốc của mọi tội ác”. Nghe theo người cha giàu, Robert đã học được rất nhiều bài học quý giá và trở thành một triệu phú ở tuổi 40 - không phải là quá sớm nhưng đó là thành công vang dội nhất của ông!

  • Bài 1: Người giàu không làm việc vì tiền (The rich don’t work for money)

Cha giàu nói rằng đồng tiền chính là sức mạnh nhưng nó sẽ được nhân lên nếu ta biết vận dụng đúng mức. Muốn làm giàu ta phải học cách kiếm tiền bằng đầu óc. Trong cuộc sống không có gì là an toàn tuyệt đối cả, bất cứ phi vụ nào bạn làm cũng ẩn chứa những rủi ro. Thành bại của một phi vụ cũng vô cùng quan trọng nhưng quan trọng hơn là bài học bạn rút ra từ thử thách đó: Đừng bao giờ bỏ cuộc! Trước sự tác động của cuộc sống, mỗi người sẽ có một cách ứng xử khác nhau: một loại người sẽ cố gắng nắm bắt cơ hội nó mang lại trong khi loại còn lại sẽ phó mặc cuộc đời đi đến đâu thì đến, oán trách nó bất công, chấp nhận hoặc hi vọng một lúc nào đó sẽ đổi đời. Quan điểm thứ hai chính là quan điểm của người nghèo! Người nghèo và người trung lưu làm việc vì tiền còn người giàu bắt tiền làm việc cho mình! Sở dĩ người nghèo càng nghèo vì khi kiếm được tiền rồi họ lo mất đồng thời lại có lòng tham, ham muốn nên cuộc sống của họ suốt đời chỉ xoay quanh một vòng luẩn quẩn: kiếm tiền - làm việc - kiếm tiền. Tuy rằng đa phần chúng ta đều là những người làm thuê chỉ khác nhau ở tầng lớp cao hay thấp mà thôi. Vì vậy mà đừng bao giờ để tình cảm và lòng tham chi phối, hãy điều khiển chúng, khiến tình cảm phải phục tùng tư duy. Lối thoát về tư tưởng sẽ mở ra một con đường mới đưa bạn đến thành công. Từ chán nản, tức giận với công việc nhàm chán, nhận đồng lương rẻ mạt, Robert đã dần hiểu được bài học vỡ lòng đầu tiên của cha, ông kiên nhẫn làm việc không công trong kho hàng tạp hoá của cha giàu, tự phát huy trí tuệ và óc tưởng tượng của mình để cùng anh bạn Mike tạo ra cơ hội kiếm tiền với phòng đọc truyện mini mà hàng hoá là những cuốn sách bỏ đi trong kho. Như vậy ông đã biết cách bắt đồng tiền làm việc cho mình!

1162-cha-giau-cha-ngheo-2.jpg

  • Bài 2: Vì sao phải giảng dạy kiến thức về tài chính?

Nếu con người biết tận dụng cơ hội để học hỏi và mở mang kiến thức thì chính trong những thời cuộc biến động của xã hội, họ sẽ phất lên nhanh chóng. Nhưng phần lớn chúng ta lại chưa làm được điều này. Bạn nên nhớ rằng, kiến thức về tài chính mới chính là cẩm nang xử lí mọi vấn đề. Có thể bạn tạo ra nhiều của cải thật đấy nhưng đồng tiền kiếm do ngẫu nhiên, không dựa vào kiến thức tài vụ thì rất dễ tiêu tan! Nếu bạn muốn phát tài, nhất định phải học kiến thức về tài chính trước đã! Cũng bởi vậy mà kế toán là một trong những ngành học quan trọng nhất nhưng với đại đa số chúng ta thì đó lại là môn học nhàm chán nhất trần gian, vừa khó, vừa khô lại vừa khổ! Câu hỏi đặt ra là bạn muốn làm giàu không? Nếu có, hãy trang bị cho mình một lượng kiến thức đủ vững về ngành kế toán. Trong bài học này, Robert cũng đã chia sẻ một quy tắc đầu tiên và cũng là nguyên tắc duy nhất của nhà giàu, đó là: nắm được sự khác nhau giữa tài sản và tiêu sản.

Có một thực tế là người giàu có tài sản, người nghèo và người trung lưu chỉ có tiêu sản nhưng họ cứ nghĩ đó là tài sản. Và nếu bạn coi tài sản là nhà cửa thì chính bạn đang tạo cơ hội cho nợ nần chồng chất khiến tiêu sản tăng lên mà thôi! Vậy tài sản là gì? Đó là thứ giúp anh làm đồng tiền chạy vào túi mình, tạo thu nhập cho anh như cổ phiếu, đầu tư. Còn tiêu sản là thứ lôi đồng tiền ra khỏi túi ta, làm ta khốn đốn. Một khi bạn thật sự hiểu hai khái niệm này, cả đời bạn sẽ chẳng phải lận đận vì tiền! Theo người cha giàu: “Nhà trường là cái lò tốt nhất tạo ra những người làm thuê mẫu mực chứ không thể tạo ra những ông chủ”. Nền giáo dục hiện nay không dạy ta phương pháp kiếm tiền mà chỉ dạy ta cách tiêu tiền thôi nên phần nhiều chúng ta nghèo bởi không nắm được quy luật vận động của đồng tiền, càng cố gắng kiếm tiền bao nhiêu thì tiêu sản của ta càng lớn bấy nhiêu. Vì vậy nếu muốn làm giàu hiệu quả, hãy nắm vững kiến thức tài chính, để tâm đến tài sản lớn nhất của bạn là đầu óc và thời gian đồng thời hãy thuê những người thông minh hơn làm việc cho mình!

  • Bài 3: Hãy quan tâm đến sự nghiệp của mình!

Để có kiến thức, bạn phải đến trường! Nhưng để có sự nghiệp, bạn phải có kiến thức về tài chính. Trường học là nơi biến bạn trở thành nhân viên thực thụ, hao phí cả đời để quan tâm tới sự nghiệp của người khác, giúp người khác làm giàu! Chính vì vậy, hãy để tâm đến sự nghiệp của mình. Sự nghiệp khác với nghề nghiệp, sự nghiệp cho ta tài sản còn nghề nghiệp cho ta thu nhập. Nói như vậy không có nghĩa là tất cả chúng ta đều trở thành ông chủ, nếu thế thì ai sẽ là người làm công? Nếu không thể mở công ty, bạn hãy cứ đi làm và quan tâm đến sự nghiệp của mình, tức là xây dựng cho mình một khối tài sản thật đồ sộ! Hãy nhớ thêm một quan điểm nữa của người giàu: họ luôn xây dựng cho mình một tài sản trước đã sau đó mới dùng thu nhập mà tài sản sinh ra để mua các đồ xa xỉ còn người nghèo và người trung lưu thì ngược lại!

  • Bài 4: Lịch sử thuế và sức mạnh của công ty.

Đa phần người nghèo đồng ý với quan điểm: “Cướp của người giàu trao cho người nghèo” tức là họ đề cao việc thu thuế của người giàu nhưng họ đâu biết rằng, người giàu luôn có kế thoát thân còn chính họ mới phải gánh chịu cảnh “gậy ông đập lưng ông”. Vậy bí mật của người giàu là gì? Đó là họ biết lợi dụng công ty. Với họ, tri thức chính là sức mạnh. Làm việc vì đồng tiền tức là anh đang tạo sức mạnh cho ông chủ còn nếu như đồng tiền làm việc vì anh, anh có thể khống chế sức mạnh ấy! Người giàu làm việc với phương châm “tiền đẻ ra tiền”. Bởi vậy mà họ không ngừng nâng cao chỉ số tri thức tài chính của mình trên bốn phương diện: Kế toán (cách quản lý tiền), Đầu tư (phương án cấp thiết), Thị trường (khoa học cung - cầu), Pháp luật (đòn bẩy làm giàu).

  • Bài 5: Sự đầu tư của người giàu.

Một trong những lí do khiến chúng ta trở nên nghèo khó là gì? Đó chính là ta luôn sợ hãi, lúc nào cũng thu mình lại trong vòng an toàn mà không chịu bứt phá để thấy được những năng lực mới của bản thân. Đừng lúc nào cũng chỉ lo lắng như vậy, hãy dũng cảm, mạo hiểm một chút, biến nỗi sợ ấy thành động lực, thành trí tuệ. Cuộc sống có rất nhiều cơ hội, đôi khi chính nỗi sợ của bạn lại làm vụt mất cơ hội của bạn đấy. Hãy nắm bắt cơ hội mà cuộc sống mang lại để sau đó biến thời cơ thành tiền bạc.

Vẫn cần nhắc lại rằng, nếu bạn nâng cao chỉ số thông minh của mình bạn sẽ giành được thành công lớn, hãy luôn luôn mở mang khả năng trời cho để xử lí đồng tiền. Bạn biết không, nhà giàu sẽ bỏ một chút thời gian để nâng cao năng lực xử lí tài chính, năng lực động não của họ, nhờ vậy mà tài sản của họ cứ dần tăng lên. Nếu bạn hiểu rõ điều mình đang làm thì điều đó không phải là một trò đánh bạc, nếu bạn đầu tư một khoản tiền vào một vụ giao dịch rồi sau chỉ ngồi cầu nguyện thì đó mới là trò đánh bạc. Hãy là một nhà đầu tư thông minh, vận dụng thật tốt tri thức tài chính của bạn để giảm bớt rủi ro! Sở dĩ nói “giảm bớt” chứ không nói “không gặp” là bởi không có điều gì tuyệt đối cả! Sẽ có lúc bạn gặp thất bại. Người giàu là người không sợ thất bại, những kẻ thất bại là những kẻ luôn sợ mất mát. Nói như vậy không phải bạn cứ vấp ngã mãi mà không đứng lên được, hãy biết khắc phục sai lầm, đứng dậy và sửa chữa để thành công nối tiếp thành công! Có ba kĩ năng cần thiết của một chuyên gia tài chính giỏi:

  1. Tìm ra cơ hội mà mọi người đều bỏ qua.
  2. Tìm cách tăng lượng tiền lên bằng cách tăng cơ hội đầu tư.
  3. Tổ chức những người thông minh lại với nhau.

1162-cha-giau-cha-ngheo-3.jpg

  • Bài 6: Chớ nên làm việc vì tiền.

Người cha có học thức cao nói rằng công tác ổn định là tất cả, người cha giàu lại cho rằng không ngừng học tập mới là tất cả! Đúng như vậy, tài năng lãnh đạo là một nhu cầu bức thiết cần phải học tập trong bước tiếp theo. Thương trường cũng như chiến trường, nếu không phải người lãnh đạo giỏi bạn sẽ bị người khác bắn từ sau lưng. Cho nên, khi đi làm việc hãy xem nếu làm ở đó ta học được gì chứ đừng chỉ nghĩ đến kiếm tiền. Trước khi chọn một nghề hãy nhìn rõ đường đi dưới chân mình, phải làm cho rõ rồi cuối cùng mình học được kĩ năng gì ở đó!

  • Bài 7: Khắc phục khó khăn.

Học tập tiếp thu kỹ năng về tài chính là điều cần thiết nhưng trên con đường hướng tới tự do về tài chính, chúng ta vẫn phải đối mặt với rất nhiều trở ngại. Có thể những người nắm vững tri thức tài chính lại chính là những người không có được những vụ làm ăn lớn bởi năm lí do sau mà chúng ta cần khắc phục để trở nên giàu có:

  1. Lo sợ bị mất tiền: Chẳng ai vui sướng gì khi mất tiền nhưng cũng chẳng người giàu nào chưa bị mất tiền bao giờ cả. Sở dĩ chúng ta thất bại bởi ta quá sợ thất bại. Đừng sợ hãi thay vì lo lắng hãy ra tay tích lũy, đầu tư cho mình từ sớm đi!
  2. Tâm lí hoài nghi: Chúng ta thường ngờ vực về chính những quyết định của mình: “Đầu tư mà kinh tế sa sút thì phải làm thế nào?”, “Mất việc không có tiền trả nợ thì làm thế nào?”. Tâm lí ấy đôi khi lại làm tăng thêm mối lo lắng trong ta. Đừng để những suy nghĩ tiêu cực đó lấn át: “Những người hoài nghi và yếm thế chưa bao giờ chiến thắng cả, họ luôn oán trách hiện thực. Còn người giàu, người chiến thắng lại biết phân tích hiện thực!”
  3. Sự lười biếng: Những người luôn nói mình bận rộn lại là những người lười biếng nhất. Có những người vì bận rộn mà không quan tâm tới sức khoẻ, gia đình để rồi đánh mất tất cả. Làm thế nào để điều trị bệnh đó? Đáp án là: Hãy “tham lam” hơn một chút, tức là dám theo đuổi, vươn tới cuộc sống mình mong muốn. Thay vì nói: “Tôi không chi khoản đó được!” hãy suy nghĩ ngược lại: “Làm thế nào chi được khoản đó đây?” - điều này sẽ kích thích bạn làm việc, sáng tạo hơn đấy!
  4. Thói quen: Thói quen khống chế hành vi của con người. Một thói quen tốt rất hữu ích nhưng hãy tạo cho mình động lực nữa - cái thúc đẩy bạn nỗ lực nhiều hơn trong vấn đề tiền bạc!
  5. Tính kiêu ngạo: Nói cách khác đó sự tự phụ, lúc nào cũng đề cao quá mức bản thân. Tính kiêu ngạo chính là một mặt của sự thiếu hiểu biết. Hãy học hỏi, đừng che đậy sự thiếu hiểu biết của mình bởi như vậy là chính bạn đang tự lừa dối mình!
  • Bài 8: Bắt đầu hành động như thế nào?

Có thể tổng kết lại thành mười bước mà cuốn sách đã chỉ ra để đánh thức tài năng tài chính bẩm sinh của bạn:

  1. Lí do siêu hiện thực - sức mạnh tinh thần: Hãy trả lời câu hỏi “muốn” và “không muốn”. Ví dụ: “Tôi không muốn nghèo”, “Tôi không muốn làm thuê”, “Tôi muốn trở nên giàu có, muốn tiền bạc phải làm việc cho mình!”. Câu trả lời đấy cũng chính là mục tiêu để bạn hướng tới!
  2. Lựa chọn để suy nghĩ hai việc: Thời gian và học tập. Làm sao để sử dụng thời gian, tiền và thứ mình học phục vụ cho việc thực hiện mục tiêu của mình. Nếu bạn chọn là người giàu thì phải biết cố gắng vì sự lựa chọn đó.
  3. Thận trọng khi chọn bạn - sức mạnh của mối quan hệ. Bạn giàu hay bạn nghèo không quan trọng, điều quan trọng là bạn học được gì từ họ.
  4. Nắm vững công thức để rồi học thêm một công thức mới - sức mạnh của học tập. Công thức chung chi phối thế giới: ngủ - đi làm - kiếm tiền - trả nợ - mua sắm - đi làm. Nếu bạn thấy mệt mỏi vì công việc mà tiền lại ít thì đã đến lúc bạn phải thay đổi công thức kiếm tiền của mình rồi. Lẽ tất nhiên, công thức ấy do học tập mới có.
  5. Trả cho mình trước - Pay yourself first.
  6. Trả lương hậu hĩnh cho người môi giới - sức mạnh một lời khuyên tốt - cầu nối cho việc đầu tư thành công.
  7. Làm “một người Indian tặng quà” - sức mạnh của sự vô tư: nhà đầu tư khôn ngoan không nên chỉ thấy tiền lãi đầu tư mà còn thấy được rằng một khi đã thu hồi vốn, bạn phải có thêm tài sản mà không phải mất tiền!
  8. Dùng tài sản mua xa xỉ phẩm - sức mạnh của việc tập trung: biến mong muốn tiêu xài thành cảm hứng đầu tư chứ không phải để vay tiền.
  9. Sùng bái kẻ anh hùng - sức mạnh của thần thoại: học tập, tìm hiểu những anh hùng như Donald Trump, Peter Lynch,... sẽ làm việc đầu tư dễ dàng hơn!
  10. Cho trước nhận sau - sức mạnh của việc cho đi.

Nếu bạn vẫn chưa thoả mãn với mười bước cơ bản ở trên thì chương cuối cùng sẽ trình bày một cách sơ lược nhất những việc cơ bản bạn cần làm. Điều quan trọng là hãy bắt tay vào hành động ngay lập tức.

Lời kết:

Giờ thì bạn có thể khẳng định rằng câu nói: “Hãy cắp sách đến trường cố gắng mà học để sau này có một việc làm ổn định, an toàn” chưa thật sự đúng trong nền kinh tế hiện nay! Có một điều tôi có thể chắc chắn rằng, bất cứ ai sau khi đọc xong cuốn sách Cha giàu cha nghèo sẽ có một tư tưởng mới về đồng tiền, câu nói kia sẽ được thay bằng một suy nghĩ mới hơn: “Hãy cắp sách đến trường đi, học tập tất cả những kiến thức cơ bản và đặc biệt phải học cả kĩ năng quản lí tài chính nữa, để sau này ra trường rồi, bạn không phải làm việc vì tiền mà bắt đồng tiền phải làm việc vì mình!”

Review chi tiết bởi Kim Chi - Bookademy

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Chúng tôi đang cần tìm đối tác, nhà đầu tư để chung tay xây dựng và phát triển Thư Viện Sách. Quý bạn hữu nếu quan tâm vui lòng liên hệ với ban quản trị qua email: www.thuviensach.vn@gmail.com
Xin chân thành cám ơn!

Ảnh bìa sách Cha Giàu Cha Nghèo

CHA GIÀU CHA NGHÈO

Tác giả : Robert T. Kiyosaki

Định dạng : Sách nói / Sách PDF

Số trang : 467

Lượt xem/nghe : 17972

Lượt đọc : 12847

Lượt tải : 4561

Lượt xem Review : 406

Kích thước : 1.69 MB

Tạo lúc : Thu, 22/09/2022 17:16

Cập nhật lúc : 21:34pm 11/04/2024


THỂ LOẠI

Mua Sách Giấy Close
qrcode

Độc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Cha Giàu Cha Nghèo PDF của tác giả Robert T. Kiyosaki nếu chưa có điều kiện.

Tất cả sách điện tử, ebook trên website thuviensach.vn đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.

Cám ơn sự hỗ trợ, động viên để duy trì và phát triển website. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN:
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu (*)
Bình Luận: (*)
Họ và tên: (*)
Email: (*)

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTinh Hoa Giáo Dục - Di Sản Cho Muôn Đời Sau


Giáo Dục - Đào Tạo (Top views)
Theo Ngày
Theo Tuần
Theo Tháng