Voucher Live Close

REVIEW SÁCH VŨ TRỤ

Tác giả: Carl Sagan

Carl Sagan (1934 -1996) là nhà thiên văn học, nhà vật lý thiên văn, vũ trụ học, sinh học vũ trụ xuất sắc. Là nhà phổ biến khoa học, phát ngôn khoa học người Mỹ. Ông là người đi tiên phong trong lĩnh vực sinh học ngoài Trái Đất, xúc tiến công cuộc tìm kiếm trí tuệ trong vũ trụ (dự án SETI) và đóng vai trò chủ chốt trong các dự án thám hiểm hành tinh Mariner, Viking và Voyager.

Lượng kiến thức ông cung cấp trong cuốn Vũ trụ không hề ít. Ông viết về lịch sử, hiện tại và tương lai của khoa học.

"Carl Sagan là một trong số những nhà khoa học xuất sắc nhất của thời đại chúng ta… Ông đã làm công việc viết lách cừ khôi khi đào sâu vào quá khứ, hiện tại và tương lai của khoa học, trong việc xử lý sự bao la gây choáng váng trí óc của cái vũ trụ mà trong đó chúng ta đang tồn tại.”

Về cuốn sách

Vũ trụ của Carl Sagan đưa ta đi từ cái vĩ mô gần như không tưởng, khoảng không vô tận với lượng sao lớn hơn tất cả số hạt cát có trên Trái Đất đến cái vi mô là từng hơi thở của tế bào. Vũ trụ sắm vai một con tàu du hành thời gian dẫn dắt người đọc đi từ chiều thăm thẳm sâu của quá khứ, khi mà Trái Đất còn chưa tượng hình, đến những bước ngoặt của cả vũ trụ trong tương lai sau sự tồn tại của chúng ta hàng tỷ năm. Vượt lên trên nhiệm vụ của một quyển sách lịch sử, sinh học hay hóa học thông thường, Vũ trụ giống như một quyển bách khoa, tuy không đầy đủ bởi những hạn chế của thời đại nhưng hoàn toàn thỏa mãn trí tò mò.

Tìm mua: Vũ Trụ

Vũ trụ không phải là một cuốn sách bó hẹp trong chủ đề thiên văn, mà còn vươn sang các lĩnh vực sinh học, nhân học, lịch sử, triết học, tôn giáo, đề cập tới nhiều vấn đề như chọn lọc tự nhiên và nhân tạo, hoạt động và sự tiến hóa của bộ não, thế giới vi mô, phản ánh những suy nghĩ và trăn trở của tác giả về khoa học chân chính và ngụy khoa học, về số phận của các nền văn minh nói chung và số phận của loài người nói riêng. Là những suy ngẫm về cuộc sống, về đời, chúng ta được tiến hóa và sống sót đến ngày nay không phải là một chuyện đơn giản, đó là một biến cố rất hiếm trong một Không gian mẫu rộng lớn, trong 4,6 tỷ năm, 7 tỷ năm, 15 tỷ năm? Lẽ nào chúng ta lại phí phạm những điều ấy để tàn sát, hủy diệt lẫn nhau vì cái được gọi là ‘não bò sát’, vì sự tham lam, ích kỷ. Hơn hết, chúng ta phải sống, nếu mỗi quốc gia đều có một người riêng lên tiếng; vậy thì ai sẽ lên tiếng thay Trái Đất?

Mười ba câu chuyện tuyệt đẹp về vũ trụ. Qua lời kể trữ tình của Carl Sagan, người đọc sẽ có dịp du hành trong vũ trụ, khám phá thế giới từ vĩ mô của những thiên hà to lớn đến thế giới vi mô của những con vi khuẩn nhỏ bé trên Trái Đất, đi từ những nền văn minh xa xưa đến tương lai của thế giới, cho ta thấy mối gắn bó hữu cơ của từng sự việc nhỏ nhặt với vũ trụ bao la và nghe những giọng điệu nhiều bè của vũ trụ. Vũ trụ đâu chỉ là vũ trụ vô tri, hỗn độn, mà còn là một thế giới có trật tự, có trị giác, đầy nhân văn và xúc cảm.

“Xuất sắc về quy mô và thách thức về những gợi ý. Cuốn sách tỏa ánh sáng lung linh với một cảm giác ngạc nhiên kỳ lạ... bị hút chặt vào nó và cảm thấy thấp bé đi vì nó.”

Nỗ lực đáng kinh ngạc của Carl Sagan trong việc phổ cập tri thức, một lượng tri thức khổng lồ về lịch sử tự nhiên, lịch sử loài người, lịch sử vũ trụ.

“Cuốn Vũ trụ giống như một khóa giảng đại học về khoa học mà bạn luôn muốn nghe nhưng không biết vị giáo sư nào có thể dạy. Sagan viết tuyệt vời... Với phong cách văn chương trữ tình, với sự bao quát gần như mọi mặt của tri thức loài người, vũ trụ tài tình đến mức tưởng như không có thật.”

Vũ trụ: Một bản nhạc du dương về vũ trụ của Carl Sagan

Bắt đầu từ những nguyên tử nhỏ bé nhất trong vũ trụ để dần dần kể lại câu chuyện tiến hóa của loài người cho đến tận ngày nay, có khi lại xuất phát từ thế kỷ XV, kể lại chuyến du hành của những tàu buồm Tây Ban Nha và Hà Lan khám phá thế giới để dần dà nói đến câu chuyện của tàu Voyager 1, Voyager 2 dong buồm ra đại dương vũ trụ.

Kể một câu chuyện về quá trình ra khơi của con người tìm đường khám phá vũ trụ bao la. Con người kể từ Thuyết địa tâm xem Trái Đất là trung tâm của vũ trụ. Tuy nhiên, con người, khoa học nói chung và thiên văn học nói riêng vẫn luôn giữ vững tinh thần vận động và phát triển, luôn luôn tìm kiếm và giải đáp những điều bí ẩn còn hiện hữu trong vũ trụ vô tận này cho đến khi nhận ra mình chỉ đang sống trong một vùng ngoại ô của một thiên hà sa số, một miền hoang vu xa xôi, nằm ngoài rìa của vũ trụ bao la. Trái Đất như hạt cát nhỏ bé giữa vũ trụ bao la, và con người cũng chỉ như một trong vô số nguyên tử cấu thành nên hạt cát Trái Đất.

“Bề mặt Trái Đất là bến bờ của đại dương vũ trụ. Chúng ta thu nhận được hầu hết những gì chúng ta biết ngay trên Trái Đất. Mới đây thôi, chúng ta đã lội một chút ra biển, đủ để nhúng ướt các ngón chân. Nước biển mời mọc ta. Đại dương vẫy gọi ta. Có một phần trong con người chúng ta cho chúng ta biết mình bắt nguồn từ nơi ấy. Chúng ta khao khát được trở về chốn cũ. Những ước nguyện ấy, theo tôi, không có gì là bất kính cả, tuy có thể gây lo lắng cho biết bao thần thánh trên đời, nếu có.”

Hành tinh Trái Đất đầy ắp sự sống và đẹp đến nao lòng, nơi ghi dấu bàn tay sáng tạo của con người hóa ra lại chỉ là một xó xỉnh tầm thường, khiêm nhường, không có gì đặc biệt nếu nhìn từ vũ trụ xa xôi. Nhưng đó chính là bến bờ khởi đầu những cuộc phiêu du vào đại dương vũ trụ bao la của một nhân loại còn trẻ, hiếu kỳ và can đảm, dù chỉ bằng tưởng tượng và những phương tiện gián tiếp như nghe nhìn hay bằng những con tàu vũ trụ. Ngay cả loài người cũng mới chỉ xuất hiện được vài triệu năm trên Trái Đất này, thật quá ngắn ngủi so với tuổi thọ 4,6 tỷ năm của Trái Đất, 13,7 tỷ năm của Vũ trụ. Quá trình tiến hóa dài dằng dặc của sự sống trên Trái Đất thực ra cũng chỉ là một giọng điệu, một bè đơn độc trong bản nhạc nhiều bè của vũ trụ.

Tiến trình tiến hóa kỳ diệu ấy như những con cua mang hình samurai, sự vô lý của quan niệm về một 'nhà thiết kế' toàn năng và thấu suốt như Thượng đế đã kiến tạo ra các dạng sinh vật. Phải chăng chính Thượng đế mới là đối tượng được tạo ra trong cơn mơ của loài người, chứ không phải ngược lại?

“Có lẽ tất cả các sinh thể hữu cơ từng tồn tại trên Trái Đất này. Từ trước tới giờ đều bắt nguồn từ một hình thái nguyên thủy nào đó được thổi hồn sống vào... Trong quan điểm ấy về sự sống, có một sự hùng tráng... ở chỗ, trong khi hành tinh này cứ quay theo một định luật hấp dẫn bất biến, thì có vô số hình thái sự sống, đẹp đẽ nhất và kỳ diệu nhất, đã và đang tiến hóa từ một khởi đầu đơn giản đến vậy.”

Loài người hình thành được là nhờ tro của các ngôi sao đã chết, hay cắt một cái bánh táo khoảng chín chục lần ta sẽ thu được một nguyên tử tách rời. Tốc độ tư duy của con người mà chúng ta vẫn tưởng phải nhanh như ánh sáng thực ra chỉ ngang tốc độ của một cỗ xe lừa kéo.

“Cái đã biết là hữu hạn, cái không biết là vô hạn; về mặt trí tuệ chúng ta ở trên một hòn đảo nhỏ giữa đại dương vô tận của những điều chưa giải thích được. Nhiệm vụ của từng thế hệ là khai khẩn dần dần mỗi thế hệ một ít đất đai.”

Chuyến du hành chóng vánh trong hệ Mặt Trời trên con tàu du hành thời gian qua Mặt Trăng - vệ tinh tự nhiên của Trái Đất và những ‘người bạn láng giềng’ trong hệ Mặt Trời: Sao Thủy, Sao Kim, Sao Hỏa, Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Diêm Vương và Sao Hải Vương, chúng ta sẽ biết được những đặc điểm của từng hành tinh này so với Trái Đất. Tiếp đó không thể không đến hệ sao gần chúng ta nhất Alpha Centauri. Sau đó là sự choáng ngợp khi ra khỏi Thiên hà Milky Way của chúng ta tới gần Thiên hà Tiên Nữ (M31) ‘hàng xóm’ của thiên hà chúng ta. Cẩn thận trước những lỗ đen với lực hấp dẫn vô cùng lớn sẽ nuốt chửng con tàu du hành của chúng ta bất cứ lúc nào. Chúng ta biết được vũ trụ được hình thành từ Vụ Nổ Lớn (Bigbang), quỹ đạo chuyển động của các hành tinh là hình elíp, chu kì hoạt động của những ngôi sao chổi có thể dự đoán. Bất ngờ khi Mặt Trời sẽ có ngày hóa hành một ngôi sao lùn đỏ, rồi đến sao lùn trắng, sao lùn đen rồi tắt ngấm.

Cuộc đời là có hạn, mọi vật trên đời này đều nằm trọn trong quy luật sinh, lão, bệnh, tử, con người, Trái Đất cũng thế và vũ trụ cũng vậy. 4.5 tỷ năm trước Mặt Trời được sinh ra, sau đó 60 triệu năm thì Trái Đất của chúng ta được hình thành, tính theo vòng đời đến nay Mặt Trời - nguồn sống vạn vật trên hành tinh của chúng ta đã đi gần hết một nửa vòng đời hay có thể nói Mặt trời đang ở độ tuổi trung niên. Bước vào tuổi trung niên tức là khoảng 1 tỷ năm nữa Mặt Trời sẽ tiến vào thời kỳ hồi quang phản chiếu, bùng lên thành 1 ngọn đuốc siêu nóng, một quả cầu lửa đến nuốt chửng Sao Thủy và Sao Kim rồi đến Trái Đất của chúng ta, lúc đó Trái Đất sẽ không nuôi sống nổi bất cứ sinh vật nào. Loài người vào thời điểm đó nếu không sớm tự diệt hoặc di cư sang hành tinh khác thì cũng không thể tránh khỏi kiếp nạn diệt vong. 4 tỷ năm kế sau đó Mặt Trời tiếp tục cạn kiệt nhiên liệu dần và đánh dấu bằng sự tuyệt chủng của toàn hệ Mặt Trời.

Nhưng hệ Mặt Trời chết đi rồi thì sao? Thiên hà Milky Way còn hàng trăm hàng vạn những hành tinh khác cơ mà?

Tuy nhiên 100 tỷ năm sau, ngay những ngôi sao to nhất, sáng nhất trong vũ trụ rồi cũng già và chết dần đi. Vũ trụ cứ thế tối dần, tối dần, chỉ còn được thắp sáng đó đây bởi những ngôi sao, hành tinh nhỏ bé le lói khác. Nhưng rồi cũng đến ngày chúng tiệm cận đến điểm cạn năng lượng. Ngôi sao cuối cùng trong vũ trụ rồi sẽ chết, để lại một thiên hà im lìm tối tăm chỉ còn sót lại phần xác trôi nổi của những ngôi sao đã chết. Đến một thời điểm nào đó thậm chí hố đen vũ trụ cũng bị bốc hơi và biến mất, toàn vũ trụ bước vào trạng thái chết, không còn bất cứ thứ gì hoạt động hay biến đổi nữa. Và đó chính là ngày đọc điếu văn cuối cùng của vũ trụ.

Đó sẽ là một ngày xa và rất xa trong tương lai, hàng tỷ năm là khái niệm thời gian mà đời một con người không thể tưởng tượng được nhưng nó vẫn luôn ở đó. Vũ trụ cũng có một điểm kết thúc. Còn con người thì sao? Chúng ta mới bước chân vào hành trình khám phá vũ trụ được hơn 50 năm, trên hành trình đi tìm kiếm tọa độ của mình giữa không gian và thời gian, giữa thiên hà rộng lớn, những con tàu trinh sát đã đưa chúng ta đi xa và bền bỉ cập nhật nhật ký hành trình về Hệ Mặt Trời, về Vũ trụ.

Tính đến năm 2022, 2 con tàu Voyager của Mỹ đã chạm mốc 45 năm phục vụ ngoài không gian. Voyager 2 đã đi qua quỹ đạo của Sao Hoả, vượt qua Sao Mộc, Sao Thổ, lần đầu đưa con người tới khám phá Sao Thiên Vương, Sao Hải Vương và sau đó vào tháng 11-2018 nó đã chính thức rời khỏi Nhật quyển của Hệ Mặt Trời, bước vào vùng không gian liên sao (interstellar). Voyager 1 chỉ lướt qua Mộc tinh và Thổ tinh rồi bước vào môi trường liên sao với sứ mệnh mang thông điệp của loài người nhằm tìm ra nền văn minh khác ngoài Trái Đất và tìm hiểu các vì sao trong vũ trụ. Vì chủ đích cho hành trình liên sao cách rất xa Mặt Trời nên sứ mệnh Voyager không sử dụng năng lượng mặt trời như những tàu vũ trụ khác mà có một lò phản ứng hạt nhân nhỏ để duy trì năng lượng tự thân vậy nên Voyager sẽ tiếp tục cuộc hành trình đơn độc của mình, đi mãi đi mãi trên những vùng không gian mênh mông bao la trong vũ trụ chưa từng được thám hiểm và sẽ không bao giờ trở về đất Mẹ. Đến một ngày khi nhiên liệu cạn kiệt nó sẽ lang thang bất định trong vũ trụ bao la.

Đã 45 năm kể từ ngày Voyager bay vào vũ trụ. Nhìn Voyager là nhớ tới Sagan? tưởng tượng một vật bay từ cái ‘pale blue dot’ vào vũ trụ, lênh đênh suốt hàng chục năm, gửi thông tin về lại cho loài người dần dần giải đáp.

Carl Sagan cho chúng ta niềm thích thú trước những phát hiện mới, khao khát tìm hiểu, mở mang tri thức không ngừng, choáng ngợp trước vũ trụ bao la rộng lớn mà thước đo khoảng cách là năm ánh sáng, xúc động trước vẻ đẹp huy hoàng và hiện đang biến đổi không ngừng của vũ trụ.

“Gió mặt trời thổi thành dòng ra phía rìa hệ Mặt Trời, vượt qua quỹ đạo Sao Thổ khá xa. Khi tàu Voyager tiếp cận Sao Thiên Vương và các quỹ đạo của Sao Hải Vương và Sao Diêm Vương, nếu các dụng cụ đo vẫn còn hoạt động, chúng nhất định sẽ cảm thấy sự có mặt của gió mặt trời, ngọn gió thổi giữa các hành tinh, phần trên cùng của khí quyển Mặt Trời vươn ra xa tới lãnh địa của các ngôi sao. Ở khoảng cách xa gấp hai, ba lần khoảng cách từ Mặt Trời đến Sao Diêm Vương, áp suất của các proton và electron trong không gian giữa các sao trở nên lớn hơn áp suất nhỏ bé của gió mặt trời. Chỗ này được gọi là giới hạn nhật quyển, là một định nghĩa về ranh giới ngoài của Đế chế Mặt Trời. Nhưng tàu Voyager sẽ tiến xa hơn nữa, lọt đến giới hạn nhật quyển vào một thời điểm nào đó ở giữa thế kỷ 21, rong ruổi qua đại dương vũ trụ, không bao giờ đi vào một hệ Mặt Trời nào khác nữa. Sau vài trăm triệu năm nữa, con tàu có số phận lang thang mãi mãi sẽ ở xa hơn bất cứ quần đảo sao nào và hoàn tất vòng bay đầu tiên của nó quanh tâm nặng của Ngân Hà. Chúng ta đã bước vào kỳ nguyên của các chuyến du hành mang tính chất anh hùng ca.”

Sự bao la vĩ đại và lộng lẫy vượt ngoài sức tưởng tượng của khoảng không gian chứa hơn 100 tỷ thiên hà; khiến chúng ta tự hào vì đang là một phần trong một tập thể có một không hai trong vũ trụ, là thành quả của 15 tỷ năm biến chuyển từ một phân tử hiđro đơn thuần. Vụ trụ làm chúng ta biết quý trọng hơn những giá trị đã và đang, hoặc sẽ, tồn tại trong tinh cầu bé nhỏ này, biết quý trọng sự tồn tại của mỗi con người chúng ta. Bởi lẽ, để đi từ một cơ thể đơn bào chỉ biết thực hiện chức năng phân chia đến một cơ thể người 100 tỷ tế bào, xây dựng được một những nền văn minh tồn tại được qua những cơn thịnh nộ khủng khiếp luôn diễn ra trong khắp vũ trụ là một thành quả mà không phải sinh vật nào trong hàng tỷ thiên hà cũng có thể làm được.

Cái Vũ trụ khơi gợi được còn là cảm giác bé nhỏ về vị trí của con người khi sự tồn tại của chúng ta là nhờ vào một chút ngẫu nhiên của tạo hóa chứ không phải bởi một đặc ân nào từ Đấng sáng thế. Nó còn bao gồm cả sự sợ hãi và xấu hổ khi lòng tham và sự ngu dốt của loài người bị vạch trần giữa vũ trụ bao la. Nó làm chính chúng ta, và chắc chắn hàng triệu người khác trên Trái Đất, cảm thấy nuối tiếc về sự sụp đổ của Alexandria, của Ionia - những nền văn minh rực rỡ từng tồn tại trong quá khứ mà đáng lẽ nếu không bị tàn phá vì chính sinh vật con người, chúng đã có thể đưa ta đến ngưỡng phát triển hơn hiện tại hàng nghìn năm.

“Câu trả lời duy nhất có thể có, mà Eratosthenes đã tìm thấy, chính là việc bề mặt Trái Đất cong. Mà không chỉ có vậy: độ cong càng lớn thì chênh lệch độ dài của bóng cọc càng lớn. Mặt Trời ở xa đến nỗi những tia nắng của nó đi song song khi tới Trái Đất. Các cọc nghiêng các góc khác nhau so với tia nắng sẽ tạo ra những cái bóng dài ngắn khác nhau. Với sự chênh lệch về độ dài của bóng cọc đã quan sát được, thì khoảng cách giữa Alexandria và Syene vào quãng 7° trên bề mặt Trái Đất. Như thế nghĩa là, nếu bạn tưởng tượng các cây cọc được kéo dài tới tận tâm Trái Đất, thì chúng sẽ cắt nhau thành một góc bằng 7°. 7° là vào quãng 1/50 của 360°, tức là toàn bộ chu vi Trái Đất. Eratosthenes biết rằng khoảng cách giữa Alexandria và Syene vào khoảng 800km, vì ông đã thuê một người đi đo đếm bằng bước chân. 800km nhân với 50 thành 40.000km: con số đó ắt phải là chu vi của Trái Đất.

Đây là câu trả lời đúng. Những công cụ của Eratosthenes chỉ là cọc, đôi mắt, đôi chân và bộ não, cộng với một cái thú thí nghiệm. Với chúng ông đã tính được chu vi của Trái Đất với sai số chỉ vài phần trăm, một thành tựu đáng kể đối với 2.200 năm trước. Ông là người đầu tiên đo đạc chính xác kích thước một hành tinh.”

Ta thấy được sự vĩ đại của những con người ở thư viện Alexandria. Tiếc thay lại bị lũ người mọi rợ ngu dốt đốt và phá hết gần như chẳng còn lại một chút gì...

“Người Ionians hoàn toàn có thể tạo ra những cỗ máy sang trọng. Nhưng sự sẵn có của nô lệ làm suy yếu các động cơ kinh tế cho sự phát triển của công nghệ.”

Dù hiện nay xã hội đã không còn nạn nô lệ nữa, nhưng bản chất vấn đề vẫn còn nguyên. Các tập đoàn lớn hiện nay và châm biếm là các tập đoàn công nghệ, để giảm thiểu chi phí nhân công thì thay vì đầu tư phát triển tự động hóa tốn kém hàng triệu đô, thì chọn xây dựng nhà máy ở các quốc gia đang phát triển nhưng giá thành lao động siêu rẻ như Trung Quốc và giờ là Việt Nam. Vô tình chung chính sự ham rẻ đó lại trì hoãn tốc độ phát triển công nghệ và nghiên cứu khoa học của xã hội.

Carl Sagan bàn luận về tương lai nhân loại một cách thật duyên dáng. Một tư duy khoa học xuyên suốt cuốn sách:

"Trên Trái Đất ngoài loài người không có loài nào khác nghiên cứu khoa học. Như vậy, cái sự phát minh sáng tạo thuần túy của con người ấy, hình thành trong vỏ não bởi sự chọn lọc tự nhiên vì một lý do đơn giản: nó vận hành. Nhưng nó không hoàn hảo. Nó có thể bị sử dụng không đúng. Nó chỉ là công cụ. Nhưng cho đến giờ nó là công cụ tốt nhất mà chúng ta có: biết tự điều chỉnh, tiến triển, áp dụng được cho mọi vật. Nó có hai quy tắc. Thứ nhất, không có chân lý thiêng liêng; mọi giả định đều phải kiểm tra một cách có phê phán; uy tín không thể đảm bảo tính đúng đắn của các lý lẽ. Thứ hai, bất cứ cái gì không nhất quán với thực tế đều phải loại bỏ hoặc xem xét lại. Chúng ta phải hiểu rằng Vũ trụ là chính nó chứ không được lầm lẫn rằng nó phải là cái mà ta mong muốn..."

"Dù chúng ta đi trên con đường nào, số phận của chúng ta đều gắn liền với khoa học. Điều cốt yếu trong vấn đề sinh tồn đơn giản đối với chúng ta là hiểu khoa học... - những người hiểu biết có nhiều khả năng sống sót hơn."

"Chúng ta phải đem mọi nỗ lực ra để hiểu rằng mọi con người trên khắp thế giới đều cùng chung một loài: loài người."

Vì hệ thống giáo dục chưa tiến bộ mà nhiều khi chúng ta hay nghĩ khoa học chỉ là một môn học ở trường, nhưng thực ra nó lại là một kĩ năng sống rất quan trọng. Ít nhất nếu cảm thấy học ở trường lớp không thực tế thì vẫn nên tự tìm tòi đọc nhiều hơn về khoa học.

Carl Sagan là một người yêu hòa bình nhiệt thành và dường như ám ảnh với nỗi sợ loại người sẽ diệt vong vì chính lòng tham của mình, đặc biệt là chiến tranh hạt nhân.

“Mọi người có tư duy đều lo sợ chiến tranh hạt nhân, và mọi nhà nước công nghệ đều lên kế hoạch cho nó.”

Đáng buồn là cuộc đua vũ trang toàn cầu vẫn chưa bao giờ chậm lại, chỉ là ngày càng kín kẽ hơn mà thôi. Dù có theo tư tưởng khác nhau chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa xã hội thì bản chất mong muốn, tham vọng của các cường quốc là như nhau. Chính sự mất niềm tin lẫn nhau đã dẫn tới cảnh ta tự đeo bom vào người chỉ cầu mong đừng ai bắt đầu kích nổ.

“Tổng chi phí của một sứ mệnh như Viking tới sao Hỏa, hoặc Du hành đến ngoài Hệ Mặt Trời, ít hơn so với cuộc xâm lược Afghanistan của Liên Xô năm 1979 -1980.”

Tư tưởng liệu rằng ở đâu đó trong vũ trụ, có thể rất gần Trái Đất của chúng ta, hoặc cũng có thể rất xa, trong một không gian đa chiều không biên giới, sẽ có rất rất nhiều hành tinh có sự sống được gợi mở. Một sự sống có thế giống hoặc rất khác sự sống trên Trái Đất này. Vì sự sống không được tạo ra chỉ để dành riêng cho loài người chúng ta. Sự sống là bình đẳng và dành cho mọi nơi, mọi ngóc ngách trong vũ trụ, miễn là ở đó hội tụ đủ mọi yếu tố để từ các nhân tố vô cơ và hữu cơ có thể thực hiện quá trình tổng hợp và hình thành nên sự sống.

Hiện nay, con người cũng đang nỗ lực để tìm kiếm sự sống trên Sao Hỏa, nơi gần với chúng ta trong cái chiều không gian vô tận này. Biết đâu được, ngay tại giờ phút này, bên ngoài bầu khí quyền, vượt ra khỏi sự kiểm soát của các vệ tinh, radar tân tiến nhất, có những con tàu đến từ một nơi xa xôi nào đó đang trôi nổi trong thiên hà của chúng ta, cùng với mục đích tìm kiếm sự sống. Trong phút giây khi đọc cuốn sách, trong đầu chúng ta hẳn sẽ văng vẳng câu hỏi: Liệu có sự sống khác tồn tại trong vũ trụ diệu kỳ này hay không? Nếu có, sự sống ấy sẽ như thế nào? Thật khó chịu khi ta không thể tìm ra câu trả lời cho điều mà mình thắc mắc. Nhưng ta sẽ được xoa dịu, bởi niềm tin vào một ngày đẹp trời trong tương lai, các thế hệ con cháu của chúng ta sẽ có thể giải được câu hỏi này. Con người sẽ khám phá tường tận vũ trụ, chiến thắng được khoảng cách hàng triệu, thậm chí hàng tỉ năm ánh sáng, vượt qua bóng đêm u tối ngoài kia. Và điều đó sẽ trở thành sự thật, sau khi chúng ta đã khám phá hết hệ Mặt Trời - quê hương đất Mẹ của ta.

Các nhà khoa học thì vẫn đang đang nỗ lực chế tạo những con tàu vũ trụ, những cái kính thiên văn tinh vi nhất để có thể thực hiện những chuyển viễn chinh, vượt khoảng cách hàng trăm triệu năm ánh sáng. Như một cuộc hành trình đi tìm miền đất hứa, như là Columbus đã từng vượt đại dương tìm ra ‘Tân thế giới’. Họ hy vọng có thể phóng những con tàu có thể đáp xuống bề mặt của một ngôi sao để xây dựng sự sống trên đó, trở thành một giống loài liên hành tinh, hay một ngôi sao to lớn hơn Mặt Trời hàng chục lần để từ đó nghiên cứu nguồn gốc sự hình thành vũ trụ, hay những con tàu có thể xông pha thẳng vào những con quái vật hố đen, chuẩn tinh trong vũ trụ, để có thể ở trong một không gian mới bên kia miệng hồ, nếu như nó tồn tại.

Con người chúng ta sinh ra với bản tính tò mò, muốn học hỏi, muốn vươn ra xa, và cuốn sách này như một ngọn đuốc dẫn đường cho chúng ta ra khỏi 'đêm trường trung cổ’. Khai sáng cho con người bằng kiến thức, và cảm hóa con người bằng tình cảm. Trong đây vị thế của con người, vị thế của Trái Đất hiện ra thật rõ ràng, cái đối nghịch nhau giữa cái nhỏ bé của chúng ta và cái bao la của vũ trụ cùng với sự hiếm hoi của sự sống, sẽ khơi dậy được trong ta những cảm xúc bồi hồi không tên, cái cảm giác là một con người, cái cảm giác tầm nhìn của mình không còn hạn hẹp trên mặt đất nữa mà đã mở rộng lên trên một tầng vĩ mô của vũ trụ.

Bản chất của con người là không ngừng tò mò và không ngừng tưởng tượng. Từ vài nghìn năm trước đã có rất nhiều người nhìn lên bầu trời và tự hỏi có gì trên đó. Họ tưởng tượng ra rất nhiều thứ, họ tạo ra những truyền thuyết những vị thần như để thay cho những gì họ chưa biết. Nhưng:

"Nếu tận tâm thu thập những hình dung của Con người về Thánh thần, thì phải thừa nhận rằng hầu hết những từ ‘thần’, ‘Thượng đế’ được con người sử dụng để diễn tả những nguyên nhân xa xôi, còn ẩn giấu, chưa rõ của các hiện tượng mà mình vẫn chứng kiến; rằng con người áp dụng từ này khi mà căn nguyên, nguồn gốc của những nguyên nhân tự nhiên vượt ra ngoài tầm nhìn: ngay khi con người mất sợi dây nhân quả, hoặc ngay khi trí óc không thể theo dõi được các mắt xích liên hệ nữa, thì họ chấm dứt tìm tòi, mà giải quyết khó khăn này bằng cách gán nó cho các vị thần... Vậy thì khi gán cho các vị thần là nguyên nhân của hiện tượng nào đó, có khác nào con người thay thế chỗ tối bí trong đầu óc mình bằng một từ ngữ mà họ quen nghe với sự kinh sợ?"

Carl Sagan với kiến thức đồ sộ của mình đã dẫn người đọc đi từ Trái Đất đến hệ Mặt Trời, các ngôi sao trong hệ Mặt Trời rồi xa hơn nữa là những thiên hà và toàn bộ vụ trụ. Sự rộng lớn của vũ trụ đã làm choáng ngợp tác giả cũng như bất kỳ ai tìm hiểu về nó. Trái Đất không phải là trung tâm của vũ trụ, Trái Đất chỉ là một hành tinh bình thường trong một hệ sao bình thường nằm ở rìa của một thiên hà bình thường trong hàng nghìn tỷ thiên hà trong vũ trụ. Không chỉ là những cuộc hành trình xuyên không gian mà tác giả còn dẫn người đọc đến hành trình xuyên thời gian về quá khứ của vũ trụ, Mặt Trời, của Trái Đất và của con người chúng ta.

Ai sẽ lên tiếng cho Trái Đất?

Dù đi xa mấy tỷ năm ánh sáng để khám phá khắp vũ trụ, tác giả vẫn luôn hướng cái nhìn về Trái Đất và các nền văn minh cổ xưa hiện diện trên Trái Đất, để đặt ra một dấu chấm hỏi lớn là tìm kiếm sự sống ở một nơi khác mà không mở rộng hiểu biết về Trái Đất cũng như bảo vệ nó, liệu có đáng không? Lịch sử của con người quá ngắn ngủi so với Trái Đất, chúng ta chỉ là một giống loài trẻ được sự may mắn của xác suất tạo nên. Nhưng chúng ta là một giống loài biết suy nghĩ, có cảm xúc nhờ 100 nghìn tỷ nơron trong bộ não của mình. Vì vậy chúng ta phải biết quý trọng và tận dụng sự may mắn đó để:

"Sống không chỉ vì bản thân mình mà còn vì Vũ trụ cổ kính và bao la nơi chúng ta thoát thai."

Cảm xúc không phải là đặc trưng của con người. "Những gì phân biệt loài của chúng ta là suy nghĩ".

Con người, khác với các giống loài khác không phải ở cảm xúc, mà ở chỗ có lý trí, có khả năng suy nghĩ, chịu trách nhiệm về những thông tin mình nạp vào trong đầu và dẫn đến thay đổi hành động của bản thân.

Lúc này một câu hỏi được đặt ra là:

“Tại sao tôi phải bận tâm tìm kiếm những bí mật của các vì sao, trong khi chết chóc và tình trạng nô lệ đang diễn ra liên tục trước mắt tôi?”

Bởi vì:

“Những tinh cầu kia chắc phải to lớn nhường nào, mà nếu so ra thì Trái Đất, nơi triển khai tất cả những ý đồ ghê gớm của chúng ta, tất cả những chuyến du hành của chúng ta, tất cả những cuộc chiến tranh của chúng ta, bé mọn xiết bao. Một lý do rất đáng để các vua chúa và vương công, những kẻ hy sinh bao nhiêu sinh mạng chỉ cốt thỏa mãn tham vọng của mình muốn làm chúa tể cái xó xỉnh đáng thương nào đó của cái chấm nhỏ xíu này trong vũ trụ, phải xem xét và suy ngẫm.”

Lời kết

Cuốn sách đưa chúng ta về xuất phát điểm của khoa học, của vật lý, chính trị và nhân văn từ thời điểm sơ khai tới những khám phá quan trọng và bước tiến nhảy vọt trong công cuộc khoa học kỹ thuật của loài người. Nội dung vừa khai sáng vừa lôi cuốn lại lãng mạn nên thơ. Một cuốn sách khoa học vừa có thể nhập môn vừa có thể sâu sắc và bao quát lại gợi cảm hứng. Sau 42 năm nhiều sự kiện và bước tiến nhảy vọt của khoa học kể từ ngày được xuất bản nhưng cuốn sách vẫn tràn đầy giá trị, tiên đoán về tương lai. Truyền cảm hứng cho những người ngoại đạo, muốn tìm hiểu nhiều hơn về khoa học, đặc biệt là vật lý thiên văn. Thay đổi thế giới quan một cách tích cực.

Chúng ta có nhớ nổi lần cuối mình thấy các vì sao trên bầu trời là khi nào không, khi sống trong thành phố bị ô nhiễm ánh sáng? Sau khi đọc xong cuốn sách này, hãy tìm đến một nơi có bầu trời đêm trong xanh, nơi không bị ô nhiễm bởi ánh sáng để trải nghiệm nhìn lên bầu trời đêm bao la rộng lớn, chúng ta sẽ bị choáng ngợp bởi một bầu trời đầy sao, cảm thấy tự hào vì được chiêm ngưỡng, xen chút sợ hãi về sự vĩ đại của vũ trụ và sự bé nhỏ tầm thường của bản thân. Chúng ta sẽ muốn thoát ra khỏi ‘đêm trường trung cổ’ để mà vươn tới những vì sao.

Chúng ta lớn lên trong sự cô độc giữa vũ trụ bao la rộng lớn. Chỉ dần dần chúng ta mới học được cách hiểu vũ trụ.

“Chúng ta sống trong vũ trụ bao la rộng lớn

Bụi vũ trụ và ánh sáng lấp lánh của dải ngân hà trải dài cả bầu trời

Sự tồn tại của chúng ta so với chúng còn nhỏ bé hơn nữa

Bạn hoàn toàn không biết cuộc đời mình khi nào thì đột ngột rẽ sang hướng khác, rơi vào khoảng không đen tối tựa như mực in đậm đặc.

Nhưng chúng ta vẫn ôm trong lòng một trái tim tràn đầy hy vọng, một trái tim không cam lòng từ bỏ

Chúng ta vẫn ở trong sự tuyệt vọng vô hạn, không ngừng những cố gắng nhỏ nhoi

Và sự nỗ lực không chịu bỏ cuộc này, biến thành những hành tinh tí hon trong khoảng không tối đen vô tận.

Chúng ta đều là những hành tinh tí hon đó…”

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)


Tìm Hiểu Thần Số Học

Chúng tôi đang cần tìm đối tác, nhà đầu tư để chung tay xây dựng và phát triển Thư Viện Sách. Quý bạn hữu nếu quan tâm vui lòng liên hệ với ban quản trị qua email: www.thuviensach.vn@gmail.com
Xin chân thành cám ơn!

Ảnh bìa sách Vũ Trụ

VŨ TRỤ

Tác giả : Carl Sagan

Định dạng : Sách PDF

Số trang : 271

Lượt xem/nghe : 4855

Lượt đọc : 2830

Lượt tải : 494

Lượt xem Review : 118

Kích thước : 4.06 MB

Tạo lúc : Fri, 14/10/2022 09:07

Cập nhật lúc : 10:44am 30/05/2023


THỂ LOẠI

qrcode

Độc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Vũ Trụ PDF của tác giả Carl Sagan nếu chưa có điều kiện.

Tất cả sách điện tử, ebook trên website thuviensach.vn đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.

Cám ơn sự hỗ trợ, động viên để duy trì và phát triển website. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN:
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu (*)
Bình Luận: (*)
Họ và tên: (*)
Email: (*)

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTinh Hoa Giáo Dục - Di Sản Cho Muôn Đời Sau


KHOA HỌC TÂM LINH:

Khoa Học - Công Nghệ (Top views)
Theo Ngày
Theo Tuần
Theo Tháng