Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank
TỦ SÁCH TINH HOA:
Nửa chừng xuân được đăng trên tờ Phong Hóa vào năm 1933 và do Đời Nay xuất bản vào năm 1934. Nó được coi như tác phẩm quan trọng thứ hai của Khái Hưng sau Hồn bướm mơ tiên và cũng là tiểu thuyết đánh dấu thời điểm rực rỡ của Tự Lực Văn Đoàn trên lãnh vự báo chí cũng như trong việc xây dựng thời kỳ thành tựu cho Văn học chữ Quốc ngữ. Tác phẩm kể lại một truyện tình trong buổi giao thời của xã hội ta những năm đầu của tiền bán thế kỷ XX. Đây là thời kỳ giữa cái cũ và cái mới có sự xung đột và nhân vật chính trong truyện là nạn nhân của sự xung đột này. Tuy nhiên họ đã tìm ra lối thoát nhờ đủ nghị lực hướng tới xây dựng tương lai. Nhờ đâu lớp trẻ dưới ngòi bút của Khái Hưng lại có thành tựu này?
Nhờ họ khi xây dựng cái mới đã vượt ra khỏi hủ tục nhưng đồng thời giữ gìn được phần tinh hoa của nền văn hóa cũ. Nửa chừng xuân trở thành một tác phẩm tuy ca tụng cái mới như tự do hôn nhân, hoạt động xã hội… nhưng với thái độ ôn hòa, lại vận dụng nếp sống cũ đẹp chống cái cũ hủ bại, chứ không cực đoan như Đoạn Tuyệt của Nhất Linh. Nhân vật chính trong tác phẩm Nửa chừng xuân là Mai. Mai là một cô gái có nhan sắc, con nhà nế nếp nhưng thanh bần. Ông Tú Lãm, thân phụ của Mai, sau một thời kỳ bệnh hoạn kéo dài đã qua đời để lại gánh nặng nuôi em cho cô con gái mới ở tuổi đôi chín. Em trai của Mai là Huy đang học năm thứ ba trung học. Không nghề nghiệp, không tài sản, với tuổi còn quá trẻ, mà nhiệm vụ làm chị nặng trĩu trên vai, Mai bơ vơ giữa ngã ba đường thì tình cờ gặp Lộc trên một chuyến xe lửa. Lộc là con ông Án, một bạn học cũ của ông Tú Lãm. Ông Án thành đạt trên hoạn lộ, trong khi ông Tú Lãm chỉ là một hàn nho và từng tới nhà bạn cũ khi đó còn là tri huyện Đông Anh làm gia sư. Lộc nhận ra Mai, cô gái nhỏ thuở nào và trước nhan sắc mặn mà và dịu dàng của Mai, chàng thanh niên tân học này đã cảm động, và làm việc anh hùng cứu mỹ nhân trong cơn hoạn nạn. Tình yêu đến với họ và Mai theo Lộc về Hà Nội và lập tổ ấm bên bờ hồ Trúc Bạch để tiện cho em ăn học. Nhưng cuộc tình của họ nổi sóng vì thời đại họ sống chưa có tự do hôn nhân. Bà Án, mẹ của Lộc, là một phụ nữ cổ hủ, chủ trương phải có môn đăng hộ đối trong hôn nhân và không thể cho con trai của mình là Lộc có thể cưới một cô gái nghèo như Mai làm vợ và cũng không thể cho Lộc tự ý chọn lựa người phối ngẫu mà không có phép của mình. Bà quyết ra tay phá vỡ cuộc hôn nhân này để thực hiện ý định cưới một cô gái quyền quý cho Lộc để Lộc có thêm một bậc thang danh vọng. Bà Án biết con đa nghi, đã dùng cách phân ly Lộc và Mai. Lộc chỉ là một chàng trai, dù học trường Tây, không dám chống đối mẹ, lại là kẻ nông nổi nên ngờ Mai ngoại tình, đã bỏ Mai trong lúc nàng bụng mang, dạ chửa. Mai dù đau khổ và rơi vào cùng đường, nhưng là phụ nữ quả cảm, quyết đứng dậy vì em, vì con mà sống.
Cũng may có những tấm lòng vàng và bàn tay nhân từ đã giúp nàng vượt qua sóng gió. Một bác sĩ giàu lòng vị tha (Bác sĩ Minh), một họa sĩ tôn trọng cái đẹp cả về thể xác lẫn linh hồn (Họa sĩ Bạch Hải) đã giúp Mai đứng dậy và chống lại làn sóng đời hung bạo. Đặc biệt Mai nhận nơi một người đàn bà bình dân (Bà Cán) ơn huệ to tát, trở thành một cô hàng quà ở xóm nghèo Thụy Khê và từ đó ra sức cần lao để nuôi con và giúp em. Thời gian trôi đi, con đường hạnh phúc của Mai đã dần dần bình ổn: con nàng, bé Ái đã tới tuổi đi học, Huy đã ra làm thầy giáo và cuộc sống của họ tỏ ra hạnh phúc. Trong khi ấy Lộc tuy hanh thông trên hoạn lộ, từ “quan tham” trở thành một quan huyện, nhưng không tìm ra nguồn vui gia đình, nhất là chàng đã biết sự thực là ngày xưa nghi oan cho Mai. Bà Án, mẹ Lộc, càng bối rối vì Lộc không có con trai. Bà đã tìm tới Mai thuyết phục hy vọng Mai trở về để bà có cháu nối dòng nối dõi. Mai cự tuyệt bằng lời sắt đá. Lộc hối hận đã tìm tới Mai ở Phú Thọ, nơi Huy dạy học, nhưng làm sao khơi lại tình yêu ngày cũ đã vì chàng mà tan vỡ. Tuy nhiên, kết thúc tác phẩm thuộc loại có hậu với chương thứ 18 Bên lò sưởi. Hai kẻ từng yêu nhau đã ngồi bên lò sưởi suốt đêm để vạch con đường hạnh phúc cho đời mình. Mai vẫn còn yêu Lộc nhưng từ chối sự đoàn tụ. Còn Lộc thì qua sóng gió tình yêu cá nhân đã nhận thức, phải vì đời xây dựng và Mai chính là hình bóng lý tưởng đã châm ngọn lửa cống hiến cho nhân quần xã hội nơi chàng. Chàng đã nói với Mai khi tỉnh ngộ: Nhưng sao anh lại không nghĩ tới một gia đình… một gia đình to tát, đông đúc hơn? Gia đình ấy là xã hội, là nhân loại. Đổi lòng yêu gia đình ra lòng yêu nhân loại, đem hết nghị lực, tài trí ra làm việc cho đời. Rồi thình thoảng hưởng một vài giờ thư nhàn mà tưởng nhớ tới em, mà yêu dấu cái hình ảnh dịu dàng của em, cái linh hồn cao thượng của em. Trời ơi! Anh sung sướng quá, anh trông thấy rõ rệt con đường tương lai sáng sủa của anh rồi. Đời anh từ nay thế nào rồi cũng đổi khác hẳn.
Với một kết thúc lý tưởng Nửa chừng xuân đúng là tiểu thuyết lý tưởng. Ở đó, tình yêu được thăng hoa, nhân vật chính biến thành thánh thiện. Khái Hưng đã dùng những chi tiết hy sinh, thủ tiết, nhan sắc lộng lẫy… để mô tả Mai. Mai là phụ nữ hiếm có trong buổi giao thời, giàu tấm lòng vị tha, với khuôn mẫu đủ cả công, dung, ngôn, hạnh, với nghị lực chấp nhận khó khăn và vượt trở lực trên đường đời. Cả đời nàng chỉ biết thờ hai chữ hy sinh, hy sinh cho em, cho con và cho cả mối tình đầu trước mọi cám dỗ và thử thách mặc dù hạnh phúc lứa đôi đã chấm dứt ở tuổi nửa chừng xuân. Hủ tục cũ, con người cũ như Hàn Thanh và bà Án bị đào thải không phải do cái mới mà do chính phần tinh hoa của nền luân lý cũ. Chiến thắng của cái mới do chính con người cũ với truyền thống tốt đẹp của dân tộc tạo ra.
Cái mới trong Nửa chừng xuân còn rụt rè, ngập ngừng chưa đủ sức lôi cuốn giới trẻ. Độc giả những năm đầu thập niên 1930, người cũ, cũng như người mới tìm thấy ở Nửa chừng xuân khát vọng, tâm tình và hướng giải thoát của họ nên tác phẩm đã được đón nhận nồng nhiệt và Khái Hưng trở thành cây bút cho tuổi trẻ thời đó. Trong Nửa chừng xuân không những tình yêu được lý tưởng hóa, mà tình chị em, chủ tớ (lão bộc Hạnh đối với Mai và Huy), tình bè bạn, mối thông cảm giữa những người lao động… cũng được nâng cao ở mức khó kiếm trong đời thường. Trong đoạn sau đây chúng ta có cơ hội hiểu thêm được các truyền thống quý giá của nền văn hóa cũ qua lời trăng trối của cụ Tú Lãm trong giờ lâm tử:
Di huấn Hồi đó về cuối thu. Cụ Tú Lãm nằm ở giường bệnh người gầy xọp chỉ còn nắm xương da bọc. Nhất là bộ mặt hốc hác, mắt sâu hoắm, má lõm xuống chẳng khác gì một cái đầu lâu. Đêm khuya gió lạnh vù vù thổi lọt qua khe cửa bức màn. Ngọn đèn dầu hỏa chiếu ánh sáng rung rinh lờ mờ vào những câu đối sơn đen, sơn đỏ treo ở cột, ở tường. Sau bức màn che trắng, bài vị bà Tú đặt trên cái ngai sơn son thiếp vàng. Trên bàn thờ bộ thất sự bằng đồng trông ẩn lộ như trong tấm hình chụp không được rõ. Cạnh chiếc hỏa lò than xoan đỏ ối, lách tách nổ liên thanh, Mai quì bê n giường, hai tay nắm bàn tay khô khan của cha già, như cố giữ người ốm lại không cho rời sang thế giới bên kia. Còn Huy thì ngồi ở cái ghế gỗ bưng mặt khóc thỉnh thoảng lại gọi: - Chị ơi, thầy có việc gì không, chị? Mai cũng nức nở khóc không trả lời. Cụ Tú hơi thở chỉ còn thoi thóp, dùng hết sức thừa nắm chặt lấy tay con gái. Mai biết rằng cụ muốn dặn một lời cuối cùng, liền ghé lại gần hỏi:
- Thưa cha, cha dạy con điều gì? Huy cũng làm theo chị, đứng dậy cúi đầu gần sát mặt người người sắp từ trần, để nhận những lời giáo huấn tối hậu. Cụ Tú sẽ động môi thì thầm: - Lẽ tất nhiên, ai cũng phải chết. Các con không nên buồn. Lúc nào cũng phải vui thì mới đủ can đảm, đủ nghị lực mà sống ở đời. Hai con nên theo gương cha. Cha vui đến giờ cuối cùng. Cha hy vọng thế nào các con cũng làm vẻ vang cha, cho linh hồn cha ở nơi chín suối, cha hy vọng thể nào em Huy cũng được thành tài và trở nên một người hữu dụng cho xã hội. Cha mất đi còn của cải gì để lại cho hai con. Cha chỉ có ba thứ gia bảo này ông cha để lại cho cha, nay cha truyền lại cho hai con mà thôi. Là giữ lòng vui, giữ linh hồn trong sạch và đem hết nghị lực ra làm việc. Sức cụ Tú chỉ còn được đến thế. Dứt mấy câu tâm phúc, cụ thiêm thiếp dần dần. Bên ngoài gió vẫn thổi vù vù, mưa lốp đốp trên mái ngói. Văng vẳng ở xóm xa tiếng chó sủa đêm.
Dưới đây là những tác phẩm đã xuất bản của tác giả "Khái Hưng":
- Nửa Chừng Xuân
- Võ Sĩ Bọ Ngựa
- Gia Đình
- Hồn Bướm Mơ Tiên
- Hồn Bướm Mơ Tiên - Nửa Chừng Xuân
- Thừa Tự
- Tuyển Tập Truyện Ngắn Khái Hưng
- Số Đào Hoa
- Truyện Ngắn - Khái Hưng
Độc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Nửa Chừng Xuân PDF của tác giả Khái Hưng nếu chưa có điều kiện.
Tất cả sách điện tử, ebook trên website thuviensach.vn đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.
Bài Trước Đó | Bài Tiếp Theo |