REVIEW SÁCH TRÍ TUỆ XÚC CẢM
Tác giả: Daniel Goleman
Tác giả: Daniel Goleman
Tóm tắt
Trí tuệ Xúc cảm một cuốn sách bán chạy nhất với hơn 5 triệu bản được bán trên thế giới. Cuốn sách phác thảo bản chất của trí tuệ xúc cảm và cho chúng ta thấy những ảnh hưởng bao chùm của loại trí tuệ này lên các khía cạnh cuộc sống. Cuốn sách cũng mô tả cách thức trí tuệ xúc cảm phát triển và làm thế nào để tăng cường được năng lực này.
Nó còn đưa ra một câu trả lời cho các cách tiếp cận tập trung thái quá vào nhận thức mà trước đây đã thắng thế trong ngành tâm lý học.
Cuốn sách trình bày với độc giả những cái nhìn mới về mối quan hệ giữa thành công và năng lực nhận thức, cũng như cái nhìn tổng quan đầy tích cực về khả năng của con người để cải thiện cuộc sống.
Ai nên đọc cuốn sách này?
- Những ai còn chưa thỏa mãn với những phương thức đo chỉ số thông minh truyền thống
- Những ai còn băn khoăn liệu chỉ số thông minh IQ có quyết định thành công
- Những ai đang nỗ lực sống sao cho xứng với những năng lực mà mình nhận ra ở bản thân
Về tác giả
Daniel Goleman là một nhà tâm lý và một tác giả tài năng. Trong suốt sự nghiệp nhiều năm của mình, ông đã nhận được nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Thành tựu Trọn đời do Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ trao tặng và hai lần được đề cử Giải Pulitzer. Nhiều ấn phẩm của ông bao chùm rộng rãi các chủ đề từ thiền định đến sinh thái học. Các tác phẩm của ông tập trung chủ yếu vào sự hòa quyện và quan hệ đan xen mật thiết giữa cảm xúc, sự thực hiện và lãnh đạo.
Bạn học được gì từ cuốn sách này?
Một số người cho rằng xúc cảm chỉ đóng vai trò trong những mối quan hệ tình cảm hoặc trong ngọn lửa chiến đấu. Thực ra xúc cảm có ở mọi nơi: chúng tạo nên các quyết định của chúng ta, giúp chúng ta thấu hiểu thế giới và mang tính quyết định trong bất kỳ mối quan hệ tương tác nào với người khác.
Cuốn sách giải thích chi tiết các cảm xúc có những tác động gì lên cuộc sống thường nhật của bạn. Chúng hỗ trợ bạn thế nào nhưng cũng khiến bạn lạc lối ra sao. Cuốn sách làm nổi bật và giải thích vai trò của trí tuệ xúc cảm trong việc giúp ta sử dụng cảm xúc để tạo nên những kết quả tích cực và tránh những tình huống có thể gây hại.
Nó cũng giải thích bằng cách nào trí tuệ xúc cảm có thể giúp ta cân bằng được cảm tính và lý tính. Và bằng cách nào ta có thể đạt được và phát triển năng lực đó.
Cuối cùng, cuốn sách trả lời những câu hỏi thú vị: Trí tuệ xúc cảm phát triển như thế nào trong mỗi cá nhân và vì sao năng lực này lại quan trọng đến vậy trong tổng thể xã hội?
Xúc cảm thật quan trọng; chúng giúp ta học những điều mới, thấu hiểu người khác và thúc đẩy ta hành động
Các xúc cảm có khiến ta thụt lùi? Liệu ta có làm tốt hơn nếu các cảm xúc hoàn toàn bị xóa bỏ và ta trở thành những sinh vật vô cảm, duy chí?
Trên thực tế, xúc cảm đóng vai trò thiết yếu với chúng ta, chúng giúp ta có được những lợi thế để tiến tới cuộc sống trọn vẹn.
Một lợi thế trong đó là cách thức các xúc cảm giúp ta học từ những ký ức. Khi trí não của ta trải nghiệm, nó không chỉ thu nhặt các thông tin. Nó còn ghi nhận những cảm giác và những cảm giác này giúp ta học từ những trải nghiệm của mình. Có thể lấy ví dụ, khi một cậu bé chạm phải bếp lò nóng bỏng, cậu sẽ cảm thấy rất đau. Sau này, chỉ cần nghĩ đến việc chạm vào một cái lò khác, ký ức về vết thương bị bỏng sẽ ùa về với cậu. Nhờ đó, mong rằng xúc cảm của cậu bé sẽ ngăn cậu không lặp lại hành động đó nữa.
Một giá trị khác mà xúc cảm mang lại là cách chúng giúp ta đọc được cảm giác của người khác, điều này có thể giúp ta dự đoán được hành động của họ. Một ví dụ đơn giản, tưởng tượng rằng bạn đang đối mặt với một người đang giận dữ. Từ cử chỉ điệu bộ, có thể là bàn tay nắm chặt hay thái độ cao giọng, mà bạn có thể đọc vị tình trạng cảm xúc của anh chàng. Biết điều đó, bạn có thể dự đoán hành động tiếp theo của anh ta; ví như có thể sẵn lòng tặng ai đó một quả đấm.
Lợi thế cuối cùng là xúc cảm cho chúng ta phương hướng hành động. Chúng ta cần xúc cảm nhằm phản ứng nhanh với hoàn cảnh. Hãy gặp lại người đàn ông đang giận dữ trong ví dụ trước. Nếu chúng ta cảm thấy anh này có thể sắp gây chuyện bạo lực, cảm xúc của chúng ta hẳn sẽ khiến ta khiếp sợ hoặc nổi xung, nhờ đó bản thân ta sẵn sàng phản ứng tức thì khi anh chàng trông có vẻ hằm hè định tấn công.
Những người mất khả năng về cảm xúc cũng bị mất phương hướng hành động. Ví dụ như, trong thế kỷ trước, nhiều bệnh nhân tâm thần được tiến hành phẫu thuật thùy não, theo phương pháp “lobotomy”, cắt kết nối của hai thùy não đóng vai trò thiết yếu cho quá trình xử lý xúc cảm. Kết quả của việc phẫu thuật là bệnh nhân mất đi động lựcvà phương hướng hành động cũng như năng lực cảm xúc của mình.
Đôi khi cảm xúc có thể gây trở ngại cho đánh giá của ta hoặc khiến ta hành động một cách vô lý.
Cảm xúc là công cụ quan trọng giúp ta thấu hiểu và ứng xử với ngoại cảnh. Tuy nhiên, cảm xúc không phải lúc nào cũng đúng đắn và có thể đưa ta đến những sai lầm. Một kiểu sai lầm thường thấy là khi ta trở nên quá xúc động. Để đưa ra những đánh giá đúng đắn ta cần phải suy nghĩ một cách rành mạch. Như một nghệ sỹ tung hứng, tâm trí ta chỉ có thể xử lý được 1 vài vấn đề cùng lúc. Và khi chúng ta rơi vào trạng thái bị kích động mạnh,những suy nghĩ báo động và hình ảnh nhiễu loạn sẽ dội liên tục lên tâm trí ta. Do đó, sẽ chẳng còn chỗ cho lý trí và đánh giá của ta sẽ bị bao phủ bởi mây mù.
Giả dụ, khi bạn hoảng sợ, bạn có thể thấy mình phản ứng thái quá với ngoại cảnh, với suy nghĩ rằng chúng nguy hiểm hơn so với thực tế. Chính vì vậy mà khi bạn đang hoảng, ngay cả tấm khăn trải giường phơi trên dây cũng có thể khiến bạn phát khiếp vì tưởng ma.
Một sai lầm khác do xúc cảm của ta gây nên là khi ta phản ứng nóng vội trước khi ta có cơ hội đánh giá tình hình rõ ràng hơn. Khi thông tin được đưa vào não bộ, một phần nhỏ trong đó bỏ qua vùng não chịu trách nhiệm cho suy nghĩ lý tính - tân vỏ não - và trực tiếp đi vào phần não xúc cảm. Nếu chúng nhận được thông tin đe dọa, phần não xúc cảm sẽ kích thích ta phản ứng ngay lập tức, trước khi kịp hỏi han ý kiến phần nào lý trí.
Bởi vậy mà khi bạn đi trong một khu rừng u tối và bỗng thấy thấp thoáng một hình bóng chuyển động, bạn sẽ thấy hồn siêu phách lạc. Cách thức cuối cùng mà xúc cảm có thể khiến ta hành động một cách thiếu lý trí là khi ta bị ảnh hưởng bởi những phản ứng xúc cảm trong quá khứ.
Bộ não xúc cảm phản ứng với hoàn cảnh hiện tại dựa trên những kinh nghiệm trong quá khứ, ngay cả khi hoàn cảnh đã thay đổi. Ví dụ như một cậu bé trước đây thường hay bị bắt nạt ở trường nay đã trở thành một người đàn ông khỏe mạnh, nhưng vẫn cảm thấy sợ hãi trước những người đã từng bắt nạt cậu.
Do đó, dù xúc cảm là rất quan trọng, nhưng chúng có thể kiểm soát tâm trí ta và phá vỡ suy nghĩ lý trí. Vì vậy chúng ta cần tìm cách quản lý xúc cảm một cách hiệu quả.
Trí tuệ xúc cảm giúp bạn quản lý cảm xúc và khai thác chúng để đạt được mục tiêu của mình.
Vậy làm cách nào để bạn có thể tận dụng sức mạnh cảm xúc của mình mà không bị chúng lấn lướt? Bạn cần có trí tuệ xúc cảm (EI), bởi nó giúp bạn nhận thức và quản lý cảm giác của mình mà không bị chúng kiểm soát. Khía cạnh đầu tiên của trí tuệ xúc cảm là khả năng nhận thức và gọi tên các cảm giác của mình.
Đây là bước tất yếu để có thể quản lý cảm xúc của bạn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người không thể nhận thức được về những cảm giác của bản thân thường dễ cáu giận và bùng nổ.
Một khi bạn đã có thể nhận ra những cảm xúc của mình, bạn cần nhận thức nguyên nhân của chúng.
Thông thường cảm giác của bạn trong một tình huống phụ thuộc vào cách bạn suy nghĩ về nó. Ví như nếu có một người bạn đi ngang qua trên đường mà chẳng nhận ra bạn, ngay lập tức bạn có thể nghĩ chắc họ cố tình lờ mình đi. Điều này có thể khiến bạn buồn bực hay thậm chí là giận dữ.
Thế nhưng, nếu bạn dừng lại 1 phút để nghĩ xem vì sao anh bạn lại chẳng nhận ra mình, có thể bạn lại tìm được những lý do làm mình bớt buồn khổ. Chẳng hạn như anh bạn kia đã không thấy bạn chỉ vì đang mải chạy theo những suy nghĩ mà chẳng đoái hoài đến xung quanh. Khi bạn bắt đầu nhận ra và làm chủ được những cảm giác của mình, trí tuệ xúc cảm có thể giúp bạn tập trung tâm trí vào việc đạt được những mục tiêu nhất định.
Ví dụ như khi bạn cần viết bài cho một môn học ở trường. Bạn chẳng mấy thích thú với môn học đó và bạn thà đi xem liên hoan phim thay vì ngồi viết. Trí tuệ xúc cảm có thể giúp bạn quản lý tất cả những cảm giác khác nhau đó. Mặc dù bạn thấy môn học kia chán ngắt, bạn vẫn có thể cố gắng xem xét nó bằng một con mắt khác. Có thể vẫn còn một khía cạnh nào đó của môn học khích lệ bạn chăng. Và nữa, quá hiểu rằng liên hoan phim sẽ khiến mình vui như thế nào, bạn có thể “trì hoãn cái sự sung sướng” đó cho đến khi bạn thực sự có thời gian cho nó. Những sinh viên có khả năng xử lý công việc của mình theo cách này có xu hướng tiến nhanh ở trường học kể cả khi họ có chỉ số thông minh IQ chỉ ở mức trung bình.
Trí tuệ xúc cảm là năng lực giúp bạn phát triển trong môi trường xã hội
Sẽ rất khó có cơ hội cho bạn xây dựng một cuộc sống hạnh phúc mà chỉ dựa trên việc quản lý tâm trí của mình, trừ khi bạn sống trên hoang đảo. Những người khác đóng vai trò to lớn đối với sự tồn tại của bạn và chỉ bằng cách quản lý tốt mối quan hệ xã hội của bản thân với họ, bạn mới có cơ hội mơ tới một cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn.
Một lần nữa, trí tuệ xúc cảm lại giúp bạn đạt được điều này.
Trí tuệ xúc cảm đẩy mạnh các tương tác xã hội tốt đẹp bởi nó giúp bạn đặt mình vào vị trí của người khác: việc thấu hiểu cảm giác của mình nếu mình ở hoàn cảnh nào đó khiến bạn có thể đánh giá được điều người khác cảm thấy trong một tình cảnh tương tự.
Trí tuệ xúc cảm cũng giúp bạn khám phá cảm xúc của người khác bằng cách phân tích những dấu hiệu phi ngôn ngữ của họ. Điều này có nghĩa là bạn có thể đánh giá tâm trạng một người chỉ bằng cách quan sát các tín hiệu như biểu cảm khuôn mặt hay ngôn ngữ cơ thể. Giả như nếu bạn thấy ai đó mặt cắt không còn giọt máu, miệng há hốc, bạn có thể đoán chắc rằng họ vừa bị sốc.
Còn gì nữa, bạn sẽ có thể tự động nhận ra các tín hiệu này, mà chẳng cần nỗ lực tư duy.
Nhờ việc giúp bạn cảm thông với người khác, trí tuệ xúc cảm cho bạn khả năng ứng xử khéo léo và dễ khơi dậy những phản ứng ủng hộ từ người khác.
Ví dụ, hãy tưởng tượng trong công ty bạn quản lý có một nhân viên lặp đi lặp lại cùng một lỗi. Bạn icó trách nghiệm thông báo cho anh ta về điều này và khiến anh ta thay đổi, nhưng bạn phải làm điều đó một cách khéo léo. Nếu bạn làm tổn thương anh ta, anh ta có thể tức giận và bảo thủ, và càng khó để thay đổi như bạn mong muốn. Nếu bạn cảm thông với anh ta và hiểu được anh ta sẽ cảm thấy thế nào, bạn có thể hành xử theo cách nào đó khiến anh ta sẵn lòng thay đổi. Do đó, những người có trí tuệ xúc cảm có thể phát triển tốt những năng lực xã hội, như khả năng dạy dỗ, giải quyết mâu thuẫn hoặc quản lý một nhóm nhân viên. Và chính những năng lực này giúp họ duy trì các mối quan hệ trong môi trường xã hội.
Trí tuệ xúc cảm đòi hỏi sự cân bằng giữa bộ não cảm tính và bộ não lý tính.
Cách thức chúng ta suy nghĩ và cảm nhận luôn hòa quyện đan xen. Điều này là bởi giữa bộ não lý tính, nơi ta xây dựng những suy nghĩ lý trí, và bộ não cảm tính, nơi sản sinh các cảm xúc của ta, giữa chúng có mối liên kết bởi những mạch nơ-ron thần kinh mạnh mẽ.
Trí tuệ xúc cảm của ta phụ thuộc vào sự liên kết giữa bộ não lý tính và bộ não cảm tính, và bất kỳ hỏng hóc nào đối với những mạch nơ-ron này đều có thể gây nên sự thiếu hụt của trí tuệ xúc cảm.
Ví dụ, một người có bộ não cảm tính bị tách rời khỏi bộ não lý tính sẽ chẳng còn những trải nghiệm về cảm giác nữa. Sự thiếu hụt vùng não này bao gồm việc mất đi khả năng tự nhận thức cảm xúc, một yếu tố quan trọng của trí tuệ xúc cảm. Bằng chứng cho điều này có thể được nhận thấy ở các bệnh nhân được phẫu thuật thùy não theo phương pháp lobotomy. Sau khi kết nối giữa hai phần não của họ bị cắt đứt, bệnh nhân mất đi năng lực về cảm xúc của mình.
Một ví dụ khác chứng minh cho tầm quan trọng của sự kết nối giữa hai phần não của ta là vai trò của bộ não lý tính trong việc điều chỉnh hoạt động của bộ não cảm tính - một quá trình thiết yếu cho việc tự điều chỉnh cảm xúc.
Việc tự điều chỉnh cảm xúc hoạt động theo cách sau: các tác nhân kích thích, chẳng hạn như một tiếng nổ lớn, sẽ khiến bộ não cảm tính của bạn bị quá sức. Bộ não cảm giác sẽ tự động nhận thức tác nhân đó như một mối đe dọa, và do đó sẽ phản ứng bằng cách chuẩn bị sẵn cho cơ thể bạn một trạng thái báo động. Chúng ta sử dụng bộ não lý trí để điều chỉnh quá trình này. Sau khi ta nghe thấy tiếng nổ lớn, và trong lúc bộ não cảm tính đang gửi hồi chuông cảnh báo đến cơ thể, bộ não lý trí của sẽ kiểm tra tác nhân kích thích xem đằng kia có mối đe dọa nào. Nếu nó không nhận ra mốinguy hiểm nào, nó sẽ xoa dịu cả bộ não cảm tính và cơ thể ta, và lại cho phép ta suynghĩ một cách rành mạch. Đây chính là lý do vì sao ta không thường phản ứng thái quá với mọi tiếng động bất ngờ mà mình nghe thấy.
Nếu bạn phá vỡ liên kết giữa bộ não cảm tính và bộ não lý tính, quy trình này sẽ không thể thực hiện được. Ví dụ như các bệnh nhân bị thương tổn nghiêm trọng với bộ não lý tính thường gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc của mình.
Trí tuệ xúc cảm giúp bạn khỏe mạnh và thành công hơn.
Điều gì là chìa khóa mở ra một cuộc sống thành công và trọn vẹn?
Có thể bạn sẽ nghĩ đó là chỉ số thông mình IQ cao - rằng những người có trí thông minh sáng láng nhất sẽ giành những cơ hội tốt nhất để đạt được cuộc sống hạnh phúc. Nhưng thực ra chính trí tuệ xúc cảm cũng quan trọng không kém gì chỉ số IQ trong vấn đề này.
Các nghiên cứu còn đưa ra giả thuyết rằng những người có trí tuệ xúc cảm ở mức cao thường có xu hướng dễ thành đạt hơn.
Có thể lấy ví dụ, các nghiên cứu cho hay với cùng mức độ chỉ số IQ, những sinh viên có khả năng cảm thông cao thường giành điểm số tốt hơn đáng kể so với những bạn có khả năng này thấp hơn. Những sinh viên có khả năng kiềm chế tốt cảm xúc bốc đồng của mình cũng sẽ thành công hơn những bạn đồng môn khác. Một nghiên cứu được Trường Đại học Stanford thực hiện với tên gọi “Thử thách Kẹo dẻo” đã kiểm tra một nhóm trẻ bốn tuổi về khả năng kiềm chế ăn món kẹo yêu thích. Nhiều năm sau, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng những bé có khả năng kiểm soát những thôi thúc bản năng khi mới bốn tuổi, sau đã thể hiện năng lực vượt trội về cả vấn đề học hành cũng như vấn đề xã hội trong suốt tuổi trẻ của mình.
Thành công đó tiếp tục lớn lên khi họ trưởng thành. Những nhà quản lý giỏi giang về mặt xã hội cũng có xu hướng sở hữu khả năng thuyết phục cao hơn.
Hơn thế nữa, trí tuệ xúc cảm cũng có thể giúp ta tiến đến một lối sống lành mạnh.
Điều này có thể nhận ra bằng cách nhìn nhận vấn đề stress. Khi ta trải qua những thời kỳ stress, trái tim ta cũng chịu sự căng thẳng tột độ bởi huyết áp tăng lên. Điều đó đẩy ta đến nguy cơ bị bệnh tim.
Tâm lý căng thẳng cũng có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, một nghiên cứu chỉ ra rằng những người đang bị căng thẳng rất dễ mắc cảm cúm.
Tuy nhiên, trí tuệ xúc cảm có thể giúp ta tránh những nguy hại mà tình trạng căng thẳng mang lại. Bởi nếu bạn học được cách xoa dịu những cảm giác căng thẳng như lo lắng hay giận dữ, bạn sẽ giảm thiểu những tác động có hại của những cảm xúc đó lên sức khỏe của mình. Ví dụ, trong một nghiên cứu lâm sàng, những người đã từng trải qua cơn đau tim được dạy cách quản lý cơn giận của mình, điều đó làm giảm đáng kể nguy cơ tái phát bệnh tim của họ.
Từ những tác động to lớn của trí tuệ xúc cảm đối với thành công và sức khỏe, ta nhận thấy việc giáo dục kỹ năng xúc cảm trong các chương trình của trường học nói chung còn bị quá xem nhẹ.
Tương lai của xã hội Mỹ sẽ phụ thuộc vào trí tuệ xúc cảm của những đứa trẻ.
Trong khi trí tuệ xúc cảm ở mức cao giúp con người ta hạnh phúc và khỏe mạnh, những người có mức trí tuệ xúc cảm thấp có thể gây ra những tác động tiêu cực rộng rãi trong xã hội. Ví dụ như mức gia tăng gấp ba lần của tỷ lệ phạm tội giết người tuổi thiếu niên ở Mỹ trong giai đoạn từ năm 1965 đến năm 1990 có thể có mối liên hệ với tình trạng trí tuệ xúc cảm bị suy giảm.
Có bằng chứng thuyết phục chỉ ra rằng sự thiếu hụt trí tuệ xúc cảm có thể dẫn đến phạm pháp - một yếu tố quan trọng trong việc gia tăng tỷ lệ tội phạm.
Ví dụ, các nghiên cứu cho thấy rằng các tội phạm bạo lực vị thành niên cảm thấy khó để kiểm soát được sự bộc phát của mình cũng như khó có thể đọc được những biểu hiện cảm xúc qua nét mặt của con người - sự thiếu hụt cũng thường thấy ở những tội phạm tình dục tuổi trưởng thành. Nghiện ngập cũng thể hiện vấn đề về trí tuệ xúc cảm. Ví dụ như những người nghiện heroin luôn gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cơn giận của mình ngay cả trước khi họ bị nghiện.
Có một điều chắc chắn rằng năng lực xúc cảm quyết định sự tương lai của một đứa trẻ.. Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường mà xung quanh có nhiều người có trí tuệ xúc cảm tốt cũng sẽ bộc lộ mức trí tuệ này cao. Điều này đã được khẳng định bằng một nghiên cứu chỉ ra rằng những đứa trẻ có cha mẹ thông minh về xúc cảm thường có khả năng điều chỉnh cảm xúc bản thân tốt hơn, ít bị căng thẳng và phát triển tốt hơn bạn cùng lứa cũng như được các giáo viên ghi nhận là phát triển tốt về mặt xã hội. Không có gì ngạc nhiên khi nói rằng có một mối liên quan nhất định giữa trí tuệ xúc cảm và thành công của một đứa trẻ. Những đứa trẻ bị thiếu hụt về tự nhận thức bản thân, tính cảm thông và tự kiểm soát có nguy cơ gặp vấn đề về tâm lý và có xu hướng gặp khó khăn ở trường học. Tất cả các bằng chứng này chỉ ra rằng trí tuệ xúc cảm của trẻ em chính là cốt lõi đối với tương lai của xã hội. Những đứa trẻ của ngày nay sẽ trở thành những bậc bố mẹ, những nhà quản lý, những chính trị gia của ngày mai. Rồi không lâu nữa, rất nhiều trong số các em sẽ mang đến những tác động quan trọng đối với xã hội tương lai, và chắc chắn rằng mỗi cộng đồng đều có được ích lợi nếu những người nắm giữ vị trí quan trọng là những người luôn thấu hiểu, giỏi xử lý mâu thuẫn và không có xu hướng hành động mù quáng vì những thôi thúc tức thời.
Trong rất nhiều những yếu tố xã hội định hình sự thịnh vượng của một cộng đồng trong tương lai, hiển nhiên trí tuệ xúc cảm là 1 trong những yếu tố chủ chốt.
Có nhiều cách giúp bạn bồi đắp trí tuệ xúc cảm
Như chúng ta đã biết, tri tuệ xúc cảm có thể đem lại một cuộc sống trọn vẹn, đến đây có thể bạn đang đặt câu hỏi liệu có thể nâng cao năng lực này.
Câu trả lời là có, và sẽ có một loạt bài tập giúp bạn đạt được điều này.
Nếu bạn muốn tăng cường khả năng tự nhận thức và tự quản lý bản thân, bạn cần thực hành đối thoại nội tâm. Cách này sẽ hỗ trợ bạn trong việc xác định và gọi tên các cảm giác của mình.
Giả dụ, nếu bạn có một anh bạn thân, và anh này đi kể với tất cả mọi người, trừ bạn, về những vấn đề hôn nhân của anh ta, bạn có thể cảm thấy buồn. Nhưng đối thoại nội tâm có thể giúp bạn giải tỏa được điều này. Bạn nên tự hỏi mình: “Sao mình lại thấy bị tổn thương? Bởi người bạn tốt nhất của mình lại đi giãi bày các vấn đề hôn nhân với tất cả mọi người mà chẳng nói gì với mình.”
Lúc này, khi đã xác định được cảm giác và nguyên nhân của cảm giác, bạn có thể dập bớt sức mạnh của nó. Thay vào đó, bạn có thể tự nhủ: “Có thể mình cảm thấy bị bỏ rơi, nhưng cũng có thể anh bạn chẳng muốn làm phiền mình bởi anh biết là mình đang bận bịu với các báo cáo kế toán hàng năm.” Cách suy nghĩ này sẽ làm bạn bớt buồn rầu hơn.
Nếu bạn muốn cải thiện khả năng thông cảm, bạn có thể cố gắng bắt chước ngôn ngữ cơ thể của một người khác. Cách này hiệu quả bởi ngôn ngữ cơ thể không đơn thuần chỉ thể hiện cảm xúc - nó còn gợi lên cảm xúc. Do đó, giả sử bạn bắt chước cử chỉ dáng điệu của người khác, có thể bản thân bạn sẽ cảm thấy tình trạng căng thẳng tương tự.
Nếu bạn muốn tăng cường khả năng tự thúc đẩy và suy nghĩ tích cực hơn, hãy nghe theo lời khuyên này.
Cách bạn giải thích về thành công hay thất bại của mình có tác động đến khả năng tự thúc đẩy bản thân. Để có năng lực này, hãy bắt đầu suy nghĩ theo cách sau: những người có thể tự thuyết phục bản thân rằng thất bại là do điều gì đó họ có thể thay đổi được mà đừng từ bỏ quá dễ dàng. Họ tiếp tục cố gắng bởi họ tin chắc rằng một kết quả thành công phụ thuộc vào chính những hành động của mình.
Ngược lại, những người đổ lỗi sự thất bại cho khiếm khuyết cá nhân nhất định nào đó sẽ có xu hướng sớm từ bỏ. Họ bị thuyết phục bởi ý nghĩ họ chẳng thể làm gì nhiều để đạt được thành công dù bằng cách nào. Nếu bạn muốn trở nên thành công, hãy cố gắng tránh xa kiểu suy nghĩ này.
Bạn có thể vận dụng trí tuệ xúc cảm trong mọi bối cảnh, từ nơi làm việc đến đời sống tình cảm của mình
Giờ đây có thể bạn đã có hiểu biết kha khá về trí tuệ xúc cảm. Nhưng có thể bạn cũng đang tự hỏi - làm sao để mình có thể tận dụng kiến thức này trong thực tế.
Và đây là vài lời khuyên có thể giúp bạn vận dụng trí tuệ xúc cảm trong cuộc sống thường nhật.
Lời khuyên đầu tiên: bạn nên tránh hiểu lầm trong mối quan hệ nếu bạn lưu ý đến những cách thức khác nhau mà đàn ông và phụ nữ xử lý với các cảm xúc. Thông thường, các cô gái có xu hướng nói ra cảm giác của mình và kết nối bằng các cuộc tâm tình, trong khi các chàng trai học cách giảm thiểu các cảm giác có thể khiến họ có vẻ yếu mềm.
Giả dụ, nếu cô bạn gái kêu ca về một vấn đề gì đó, anh bạn trai rất có thể sẽ đưa ra một lời khuyên ngay tắp lự. Nhưng có khi đấy lại là cách sai, thường thì một phụ nữ kêu ca về chuyện gì đó chỉ vì tìm kiếm sự đồng thuận. Cô gái muốn người yêu lắng nghe và thể hiện là anh hiểu. Do đó một giải pháp tức thì có khi lại bị hiểu lầm là một sự chối từ đối với nỗi niềm của cô gái hơn là một nỗ lực giúp đỡ. Tốt hơn hết hãy lắng nghe cô cho thật kỹ.
Bạn cũng có thể nghe theo lời khuyên này. Nếu bạn đang rất buồn trong một cuộc cãi vã, hãy cố dừng lại một chút để bình tĩnh lại. Những cảm xúc mạnh mẽ có xu hướng bóp méo suy nghĩ của bạn, cho nên bạn rất dễ nói hay làm điều sẽ làm bạn hối hận. May thay, một khoảng lặng để lấy lại bình tĩnh sẽ giúp ích.
Một số chuyên gia tư vấn về hôn nhân thậm chí còn khuyên các cặp vợ chồng theo dõi nhịp tim của mình trong lúc cãi vã. Nếu nhịp tim vượt quá 10 nhịp/phút so với nhịp thông thường của người đó thì có nghĩa là họ đã bị quá xúc động và cần phải có thời gian nghỉ ngơi.
Lời khuyên cuối cùng là: nếu bạn phải phê bình ai đó, hãy nói một cách cụ thể và đưa ra giải pháp. Bằng cách lựa chọn một sự việc rõ ràng và chỉ rõ chính xác đâu là điều lẽ ra phải làm khác và điều gì đã được làm đúng, bạn sẽ giúp chính mình cảm thấy mạch lạc và giúp cho người nghe khỏi cảm thấy bị hạ thấp hay bị chối từ.
Tóm tắt cuối
Thông điệp chính của cuốn sách này:
Các cảm xúc của chúng ta thật quan trọng bời chúng đóng vai trò như khởi nguồn tất yếu của phương hướng và thúc đẩy ta hành động. Tuy nhiên, chúng cũng có thể khiến ta hành động vô lý. Chính vì thế ta cần có trí tuệ xúc cảm. Trí tuệ xúc cảm là một hệ thống kỹ năng giúp bạn nhận thức và quản lý cảm xúc - cả cảm xúc của bản thân và của những người khác.
Trí tuệ xúc cảm có thể là yếu tố quan trọng nhất giúp ta đạt được cuộc sống trọn vẹn. So với chỉ số thông minh IQ, trí tuệ xúc cảm là một cơ sở dự đoán tốt hơn cho những thành công trong học hành, công việc cũng như cuộc sống. Hơn nữa, không giống như IQ, chúng ta có thể tăng cường trí tuệ xúc cảm trong suốt cuộc đời.
Lời khuyên thiết thực:
Trí tuệ xúc cảm là hết sức quan trọng cho hạnh phúc của một đứa trẻ. Bởi vậy, nếu bạn là bậc làm cha làm mẹ hay là một giáo viên, có lẽ bạn muốn giúp đỡ đứa trẻ phát triển kỹ năng cảm xúc bằng cách vận dụng một trong những biện pháp đơn giản sau đây:
Khuyến khích chúng nói về cảm xúc của mình. Điều này sẽ tăng cường khả năng tự nhận thức xúc cảm bản thân. Nếu chúng gặp phải khó khăn với bài tập này, hãy cho chúng vốn từ cần thiết để mô tả cảm xúc của mình.
Nếu bọn trẻ thành công trong việc gì đó, hãy khen ngợi chúng vì đã nỗ lực và đã biết tự kiểm soát. Điều này dạy chúng tin tưởng ở năng lực bản thân nhằm cải thiện cuộc sống bằng chính hành động của mình.
Hãy cụ thể và mang tính xây dựng: Nếu bạn phê phán ai đó, hãy chọn một sự việc cụ thể và chỉ ra chính xác điều gì lẽ ra nên làm khác và điều gì đã được làm tốt. Cách này giúp bạn tự thấy rành mạch mà không làm tổn thương người nghe.
Khi bạn đang thực sự buồn bực trong cuộc cãi vã, hãy cố dừng lại một chút để lấy lại bình tĩnh. Điều này có thể giúp bạn tránh những hành vi thái quá gây tổn thương, có thể bị khơi mào bởi cảm xúc bùng nổ.
Nguồn: sachluoc.vn
TRÍ TUỆ XÚC CẢM
Tác giả : Daniel Goleman
Định dạng : Sách PDF
Số trang : 199
Lượt xem/nghe : 15961
Lượt đọc : 13665
Lượt tải : 6058
Lượt xem Review : 306
Kích thước : 1.07 MB
Tạo lúc : Thu, 09/12/2021 19:10
Cập nhật lúc : 21:58pm 11/04/2024
Độc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Trí Tuệ Xúc Cảm PDF của tác giả Daniel Goleman nếu chưa có điều kiện.
Tất cả sách điện tử, ebook trên website thuviensach.vn đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.
Cám ơn sự hỗ trợ, động viên để duy trì và phát triển website. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank
Bài Trước Đó | Bài Tiếp Theo |