REVIEW SÁCH LÀM ĐĨ

Tác giả: Vũ Trọng Phụng

7818-lam-di-1.jpg

I. Giới thiệu sách Làm Đĩ

Làm đĩ là một cuốn tiểu thuyết của nhà văn, nhà báo Vũ Trọng Phụng, tác phẩm được viết vào năm 1936 và xuất bản vào năm 1937. Đây được coi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam đề cập đến vấn đề mại dâm.

Làm đĩ có ba lớp ngôn ngữ: ngôn ngữ bút chiến, ngôn ngữ giáo dục và ngôn ngữ của nhân vật chính.

Làm đĩ là một trong số những cuốn sách gây ra nhiều cuộc tranh luận trong hơn suốt nửa thế kỷ qua. Từ Nhất Linh, Thái Phỉ, Hoài Thanh trước đây đã có khá nhiều bài đăng trên các báo Tân văn, Tương lai, Ngày nay, Hà Nội báo phê phán quan niệm văn chương của Vũ Trọng Phụng xung quanh tiểu thuyết Làm đĩ của ông; cho đến Hoàng Văn Hoan sau này, khi Vũ Trọng Phụng đã mất gần 25 năm, còn cố tình tìm mọi lời lẽ sặc mùi chính trị phê phán Làm đĩ là một cuốn sách dâm uế và có hại cho sự giáo hóa đạo đức và luân lý đối với thế hệ trẻ Việt Nam. (Vũ Trọng Phụng)

Làm Đĩ là một thiên tả chân tiểu thuyết mục đích là hô hào nhà đạo đức và bậc làm cha mẹ lo chăm đến hạnh phúc của con cái và phải để ý đến cái sự mà những thành kiến hủ bại vẫn coi là điều bẩn thỉu, tức là cái sự dâm. Làm đĩ không tả lối sống của gái giang hồ mà chỉ vạch lại cái cảnh ngộ đã làm cho Huyền cô gái con nhà tử tế xinh đẹp, có học, thông minh phải sa chân, lỡ bước vào cuộc đời truỵ lạc. Làm đĩ là tiểu thuyết hiện thực đã không ngần ngại đặt ra một vấn đề: Tại sao lại có người phải Làm đĩ, xã hội có nạn mại dâm? Chính tác giả trong “Đoạn cuối” sách đã nói rõ ra với nhân vật chính của mình:

“Đối với thiên hạ thì đời một người như em, đương ở chốn yên lành mà vào nơi chông gai, chỉ có đoạn ấy là đáng nói thôi. Tại sao con nhà tử tế hẳn hoi, con nhà quý phái nữa, mà rồi đến nỗi…. trụy lạc, ấy người đời chỉ cần biết rõ những nguyên nhân ấy…”

Tìm mua: Làm Đĩ

Thông tin nhà văn Vũ Trọng Phụng

Vũ Trọng Phụng (1912-1939) là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Tuy thời gian cầm bút rất ngắn ngủi, với tác phẩm đầu tay là truyện ngắn Chống nạng lên đường đăng trên Ngọ báo vào năm 1930, ông đã để lại một kho tác phẩm đáng kinh ngạc: hơn 30 truyện ngắn, 9 tập tiểu thuyết, 9 tập phóng sự, 7 vở kịch, cùng một bản dịch vở kịch từ tiếng Pháp, một số bài viết phê bình, tranh luận văn học và hàng trăm bài báo viết về các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa. Một số trích đoạn tác phẩm của ông trong các tác phẩm Số đỏGiông Tố đã được đưa vào sách giáo khoa môn Ngữ văn của Việt Nam.

Nổi tiếng với giọng văn trào phúng châm biếm xã hội của mình, một số người đã so sánh ông như Balzac của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng vì phong cách “tả chân” và yếu tố tình dục trong tác phẩm mà khi sinh thời ông đã bị chính quyền bảo hộ Pháp tại Hà Nội gọi ra tòa vì “tội tổn thương phong hóa” (outrage aux bonnes moeurs). Về sau này, tác phẩm của ông lại bị cấm xuất bản vì là “tác phẩm suy đồi” tại miền Bắc Việt Nam từ năm 1954 và cả nước từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 cho đến tận cuối những năm 1980 mới được chính quyền cho lưu hành

Năm 1930, Vũ Trọng Phụng đã có truyện ngắn đầu tay Chống nạng lên đường đăng trên tờ Ngọ Báo. Bắt đầu ông viết một số truyện ngắn, nhưng không được chú ý nhiều.

Năm 1931, ông viết vở kịch Không một tiếng vang, thì bắt đầu thu hút được sự quan tâm của độc giả.

Năm 1934, Vũ Trọng Phụng mới cho ra mắt cuốn tiểu thuyết tâm lý đầu tay Dứt tình đăng trên tờ Hải Phòng tuần báo.

Năm 1936, ngòi bút tiểu thuyết của ông nở rộ, chỉ trong vòng một năm, bốn cuốn tiểu thuyết lần lượt xuất hiện trên các báo, thu hút sự chú ý của công chúng. Cả bốn tiểu thuyết Giông tố, Số đỏ, Vỡ đêLàm đĩ đều hiện thực, đi sâu vào các vấn đề xã hội. Trong đó Số đỏ xuất sắc hơn cả, được xem như tác phẩm lớn nhất của Vũ Trọng Phụng, một vài nhân vật, câu nói trong Số đỏ đã đi vào ngôn ngữ đời sống hằng ngày.

II. Review sách Làm Đĩ

7818-lam-di-2.jpg

Dưới đây là tổng hợp Review sách Làm Đĩ của nhà văn, nhà báo Vũ Trọng Phụng. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.

1. QUANG review sách Làm Đĩ

” Không nghe cave kể chuyện ” ( vô danh )

Đây là câu nói hay nghe nhất mỗi khi có hotgirl nào đó đi vòng quanh thế giới chỉ mang xxx tiền. Đây là câu nói hay bắt gặp nhất khi một cô nàng nào đó xinh xinh nổi nổi trên mạng xã hội ‘xui’ bị netizen nó gán label là “phò”, post một cái stt nêu quan điểm cá nhân về việc nào đó. Từ câu nói đó, vô tình hình thành cho mọi ng cái suy nghĩ là lời nói của mấy cái ngữ này đều VÔ NGHĨA, ng thì nghe xong cười cho qua, có người lịch sự hơn chỉ đáp ” xạo lồn”. Tuy nhiên, cụ Phụng đã chọn hướng đi khác đó là cho nhân vật Quý và ông bạn ngồi “nghe cave kể chuyện” để rồi mới cho ra 1 cuốn sách xứng đáng là một tiềm năng cực lớn cho điện ảnh khai thác về vấn đề giáo dục giới tính.

Truyện “Làm Đĩ” chia thành 6 chương, ứng với 6 giai đoạn phát triển tâm lý của Huyền, nhân vật chính của truyện, làm sao mà từ một cô gái trong sáng nết na đã bị sự tò mò của tuổi mới lớn dẫn dắt tới với thứ mà mọi cô gái độ tuổi đó đều mơ mộng tới: ái tình. Từ đó, những trải nghiệm tình yêu khiến Huyền lớn về thể xác và…dâm trong tư tưởng, để rồi số phận của Huyền ứng với cái tên cuốn sách.

Các tình tiết trong truyện tương đối dễ đoán, nhưng tình tiết ở tâm lý nhân vật nó mới là thứ khó đoán. Chỉ khi đọc cuốn này mới thấy được cụ Phụng trong việc miêu tả tâm lý nhân vật khác giới siêu như thế nào, khác giới mà còn ở trong cái giới thuộc loại phức tạp nhất nhì trong xã hội.

Đọc xong mình mới thấy rõ là: dẫn dắt các bé gái các cô các chị vào con đường bóc bánh trả tiền này, không chỉ riêng sự sa ngã chủ quan của phái yếu mà ở đó có sự “giúp sức” không hề nhỏ của đấng nam nhi, thể hiện qua nhân vật Tân với cái tư tưởng tây hóa lệch lạc kiểu như này: hôn nhân là nấm mồ của tình ái, nên để tình ái mãi mãi hãy chỉ yêu và yêu thế thôi, hôn nhân giết chết tình ái vậy cứ thoải mái ở xác thịt mà thôi.

Đặc biệt hơn, đọc truyện còn chưa gay cấn bằng mấy bài báo ” choảng nhau” của cụ Phụng với mấy ông nhà báo cùng thời như Thái Phỉ, Nhất Chi Mai xoay quanh vấn đề “dâm trong văn chương”. Hồi đó chưa có post stt chửi nhau trên fb như showbiz nên các cụ văn hay chữ tốt chửi nhau qua báo cho gắt!

2. BẠCH review sách Làm Đĩ

Một sự ngả nón cúi chào đối với nhà văn họ Vũ. “Làm đĩ” được sáng tác năm 1936, nhưng tính hiện thực và trào phúng thì vẫn còn giá trị tới ngày hôm nay. Tác phẩm là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ về cách giáo dục giới tính cho con cái.

Đọc tác phẩm trên mà bản thân cũng có chút giật mình: Sau gần 70 năm, xã hội của chúng ta dẫu có tiến bộ hơn nhiều so với thời kì trước, vấn đề GD giới tính vẫn luôn là một vấn đề nhạy cảm; và phụ huynh, dù đã có cái nhìn thoáng hơn, hầu như vẫn sử dụng một cái approach cũ để truyền đạt cho con trẻ những vấn đề hết sức cơ bản này.

Nễu Vũ Trọng Phụng mà là một nhà văn hiện đại, mình đảm bảo bao hot vì:

  • Khả năng giật tít: súc tích, gây sự tò mò vừa phải, khiến độc giả hứng thú.
  • Nội dung: Tuy bàn về cái sự dâm cơ mà đố bạn tìm được cảnh nào nó miêu tả cái sự dâm như mớ văn chương 3 xu hiện tại đấy =))
  • Giọng văn: có nhẹ nhàng hơn Số đỏ nhưng vẫn mang chất trào phúng sâu sắc. Thậm chí ở cái thời này ng ta viết trào phúng nghe có vẻ hay hay vui vui nhưng chắc chưa đủ độ “thâm”.

3. THẢO ĐIỀN review sách Làm Đĩ

Mỗi lần đọc sách của Vũ Trọng Phụng lại thấy buồn thay, khi thấy xã hội hiện nay cũng giả dối và mục nát cũng chẳng khác gì xã hội Pháp thuộc ngày ấy.

Chắc hẳn tụi mình đều đã từng nghe tên của tác phẩm nổi tiếng thứ hai chỉ sau cuốn Số Đỏ của tác giả Vũ Trọng Phụng này rồi nhỉ. Tên sách nhạy cảm đến mức, phần lớn chúng ta đều khá ngại ngần khi tìm đọc cuốn sách này, hoặc cũng giả vờ như chưa từng đọc qua.

Nhưng cái thực trạng mà cuốn sách miêu tả, thực sự vẫn còn quá đỗi nóng hổi trong hiện tại. Cuốn sách tựa như tự truyện của Huyền, chịu số phận của nàng Thúy Kiều dưới thời Pháp thuộc. Huyền vốn là con nhà gia giáo, nhưng cái xã hội ấy lại đẩy đưa cô vào chiếc lồng hoan lạc chẳng lối thoát này. Dường như phụ nữ ở thời nào, cũng phải chịu những áp lực và định kiến vô hình mà xã hội luôn đè nặng lên họ.

Cuốn sách, nêu lên những thực trạng mà ngày nay cũng chả khá khẩm hơn. Bọn trẻ chẳng được ba mẹ và nhà trường giáo dục giới tính đúng cách, phải tự tìm hiểu một cách non nớt và dại dột, và đôi lúc để lại những hậu quả nhãn tiền. Số phận của người phụ nữ hiện nay cũng chả khá khẩm hơn ngày trước, vẫn quá nhiều cô nàng bị lừa gạc và đưa đẩy để vướng vào con đường dâm tà ấy. Đáng buồn thay …

4. SU MIKO review sách Làm Đĩ

Cái ông Vũ Trọng Phụng thân mến!

Cảm ơn ông đã viết cho tụi cháu, hậu sinh khả ố, những thiên tiểu thuyết tuyệt vời; để đọc và khám phá ra một thời kỳ lịch sử đầy xáo động của đất nước.

“Làm Đĩ” cái tên nghe thôi là thấy hấp dẫn rồi! đầu các mọt đừng đen tối đấy nhé.

Tác phẩm là một phản ảnh của cái thời mà “tây ta” còn lộn tùng phèo. Cái thời mà tây lòe nhưng lại là thứ tây nửa mùa. Cái thời mà người ta mới bước chân ra ngõ là đã thấy sức mạnh của công cuộc tây hóa.

“Đĩ” có lẽ đã xuất hiện rất lâu trong lịch sử loài người. Nhưng “đĩ” là gì thì có lẽ chưa có một thiên khảo luận nào cả, theo mình biết là thế. Có lẽ “bọn người” đã giấu nhẹm nó đi mất rồi.

Đó là một thứ chuyện thầm kín, “bọn người” chỉ nói với nhau trong bóng đêm chứ ngoài ánh sáng thì lại câm lặng. Một thứ hấp dẫn nhưng lại bị kết án.

Chẳng thể hiểu nổi “bọn người”.

Tác phẩm của ông Vũ Trọng Phụng kể về một… chẳng biết gọi bằng gì: cô đĩ, chị đĩ, hay con đĩ,… tóm lại là về một đứa “đĩ” giới tính nữ. Tác giả quả quyết như thế, còn mình vẫn chưa bao giờ định nghĩa được: “đĩ” là gì?

Cô ta đã làm gì? Hai chữ “làm đĩ” cũng đủ hiểu rồi; nhưng mà chỉ có vậy thôi sao? Vậy thôi là tầm thường quá, phải chăng đã hạ giá ông Vũ Trọng Phụng rồi?

Giáo dục, đàn ông, xã hội, dục vọng, gia đình,…? Tất cả đều mang tội, cái tội không phải là làm đĩ nhưng là đẩy đưa người ta phải đi làm đĩ.

Đọc và cảm nhận thôi. Đừng tưởng bạn không có trách nhiệm trong việc này?

5. TRẦN THỊ THÚY DIỄM review sách Làm Đĩ

Vũ Trọng Phụng không hổ danh là ông vua phóng sự đất Bắc. Những tác phẩm của ông đã đi sâu vào hiện thực gai góc, bóc trần những điều xấu xa nhất, tệ lậu nhất. Ông không hề nói giảm, cũng chẳng hề né tránh bằng cái tên mĩ miều như gái bán hoa, buôn son bán phấn… mà nói thẳng “Làm đĩ”.

Cuốn sách là gáo nước lạnh tạt vào mặt những bậc phụ huynh. Vì sợ “vẽ đường cho hưu chạy” mà họ ngại ngần, không hướng đến giáo dục giới tính cho con. Từ đó dẫn đến bao hệ luỵ về sau.

Huyền hỏi thầy melàm cách nào để có em bé thì thầy cô sa sầm mặt, quát mắng. Cô hỏi me đẻ bằng chỗ nào thì me bảo với một cô bé 9 tuổi ngây thơ rằng “Đẻ ra đằng nách”. Người vú già thì bảo ăn no thì đẻ, me Huyền đẻ bằng đằng bụng. Họ ngại ngần, họ thấy sự dạy bảo những điều ấy cho một đứa con nít là điều xấu hổ nên khiến Huyền càng bị giam hãm trong cái vòng ngu muội thì càng tò mò.

Thầy me không dạy thì đã có người khác dạy nó. Đó là thằng Ngôn hơn nó một tuổi cùng nó chơi trò người lớn. Đó là con bạn cùng lớp dạy nó thủ dâm. Thật tai hại!

Nói không ngoa thì thầy me của Huyền là một tác nhân lớn khiến đời cô ra nông nỗi như ngày hôm nay: Làm đĩ.

Điểm tô cho câu chuyện về cô gái bán hương này là cái sự thật về nghề mại dâm cách đây hơn một trăm năm. Cái nghề tưởng chừng nhơ nhớp, tanh bẩn vậy mà được diễn tả có vẻ cao sang. Chốn buôn da bán thịt lại sang trọng đến bực nào “Các phòng bài trí lịch sự lắm, có thể so với phòng các khách sạn tây lớn. Sập gụ trên có khay đèn, giường Hồng Kông, ghế đi văng. Một cái gương kiểu Psyche tại một góc. Bàn rửa mặt có sẵn nhiều khăn bông trắng muốt tại một góc khác”.

Dâm hay không dâm? Suy đồi hay là thuyết giáo đạo đức? Mỗi chúng ta sẽ có cách nghĩ riêng. Nhưng chắc chắc, ai cũng đều phục cái tài viết tiểu thuyết phóng sự thần tình của ông.

6. THÙY LINH review sách Làm Đĩ

Thực sự cuốn này đang rất cần thiết với mình hiện tại ( tất nhiên là không phải muốn làm đĩ hay gì gì đâu) bởi vì nó sẽ là một lời cảnh tỉnh cho những thiếu niên còn đang bị lạc bước hay bị dẫn dắt bởi những ham muốn tuổi dậy thì.

Nội dung tóm tắt của câu chuyện thì nó nói về hành trình “làm đĩ” của một cô gái con nhà quyền quý. Xuyên suốt câu chuyện sẽ là những tình tiết day dứt, ám ảnh và vô cùng đau đớn của cuộc đời cô gái này. Bằng giọng văn chua xót, cô đã thành công làm cho người đọc cảm thấy rất thương cảm và hối tiếc cho số phận của 1 người phụ nữ.

Tuy rất hay nhưng thực sự mình thấy nó hơi bị tiêu cực quá đà và chị nữ chính cũng đổ lỗi cho đời hơi nhiều. Mặc dù trong 1 vài tình tiết thì thật ra chị ấy hơi “đĩ” thật:))

7. PHAM CHAU review sách Làm Đĩ

Xuất sắc! Xuất sắc từ khi vào đề, xuất sắc khi diễn tả quá trình biến một cô gái xinh đẹp có học thức trở thành người buôn phấn bán hương, xuất sắc khi kết thúc, xuất sắc trong cách lựa chọn từ ngữ, xuất sắc trong phong cách viết. Bao nhiêu cái lố lăng lố bịch của xã hội xưa được phơi bày rõ ràng…

“Đi trên con đường lầy lội, ta cố tìm chỗ đất khô ráo cho khỏi bẩn đôi giày mới của ta…Nhưng nếu chẳng may cứ dẫm phải bùn? Còn giữ gì được nữa, âu là thà cứ nhắm mắt bước liều đi, cho được nhanh chóng. Thêm nữa, ta quyết chỉ nhượng bộ số phận một lần này mà thôi…”. Tội thay, ai chẳng nghĩ đến làm có một lần thôi.

Cuốn sách được viết năm 1936, nhưng đọc vào 2019, tức đã qua 8 chục năm có lẻ, nhưng vấn đề giáo dục giới tính, vấn để thủ tiết vẫn còn sâu đậm trong xã hội Việt Nam.

Là cuốn sách đầu tiên của Vũ Trọng Phụng mà mình được đọc, chắc chắn sẽ tìm đọc các tác phẩm khác với lối văn châm biếm sâu cay này

III. Trích dẫn sách Làm Đĩ - Vũ Trọng Phụng

7818-lam-di-3.jpg

Trích đoạn Chương 1 - Tuổi Dậy Thì - Làm Đĩ

ÁI TÌNH VỚI SINH THỰC KHÍ

“Muốn cho nhân loại khỏi tiêu diệt, đấng Tạo hóa phải sinh ra nam và nữ. Đã có nam nữ tất phải có giao hợp. Người ta gọi việc ấy là ái tình. Vậy nguồn gốc ái tình ở đâu mà ra?”

“Ấy là ở sinh thực khí, nghĩa là ở cơ quan sinh dục vậy.”

“Sự đói ăn khát uống là ở bộ máy tiêu hóa thì ái tình là ở sinh thực khí. Tư tưởng ăn uống là ở bộ máy tiêu hóa sinh ra. Người có bộ máy tiêu hóa suy yếu không thiết ăn uống; người có bộ máy tiêu hóa hư hỏng ăn uống xong lại nôn mửa hết. Ái tình với sinh thực khí cũng vậy. Người nào mà cơ quan sinh dục lành mạnh thì ái tình đằm thắm nồng nàn: trái lại người ta sẽ lạt lẽo.”

“Có người nói: ái tình chỉ cốt ở tâm trí, không cốt ở giao cấu.”

“Lại có kẻ nói: ái tình chân chính không màng tưởng đến sự giao hợp.”

“Nói vậy đều không đúng cả. Sự giao cấu chính là mục đích cuối cùng của ái tình. Cho nên hễ giai gái đã có ái tình với nhau là tự nhiên nghĩ luôn đến giao cấu, và khi đã không nghĩ đến giao cấu nữa thì đối với nhau sẽ mất hết ái tình. Bởi vậy, có giao cấu, ái tình mới nồng nàn, bằng không ái tình sẽ phai lạt.”

“Xem ngay những trai gái thuộc hàng ái nam ái nữ thì dù có nhan sắc, tài đức bậc nào đi nữa, cũng không bao giờ được hưởng lòng yêu của một người nào trong trần gian. Điều đó càng chứng thực rằng cơ quan sinh dục với ái tình, hai cái không có nhau không được.”

“Coi vậy, sinh thực khí của nam nữ là những vật rất báu, cần phải giữ gìn lắm mới được. Nếu hủy hoại vật quý báu ấy đi để thỏa cái rạo rực của xác thịt chốc lát, sẽ có hại cho nòi giống, cho ái tình”.

NHỮNG SỰ HẠI VỀ THỦ DÂM VÀ Ý DÂM

“Thủ dâm là phát triển dục tình một cách bất chính, một cách trái lẽ tạo hóa, có hại rất lớn. Trai gái chưa vợ chưa chồng, những đêm khuya thanh vắng thường hay mơ tưởng tình duyên. Những lúc ấy lửa dục bốc lên ngùn ngụt, trằn trọc khổ sở, không làm sao được, phải dùng đến bàn tay cọ sát sinh thực khí, cần cho tinh khí xuất ra, để được khoái lạc tựa như giao hợp.”

“Kẻ làm thế tưởng như giao hợp, chứ có biết đâu rằng nam nữ giao hợp thì có âm có dương điều hòa cho khí huyết lưu thông, không hại vệ sinh; còn thủ dâm, thì chỉ có một khí âm hoặc một khí dương, thì sao có thể khai thông huyết mạnh được?”

“Bởi lẽ ấy, thủ dâm có hại vô cùng.”

“Đàn ông thì sẽ làm mất sinh thực khí, dương vật sẽ bé lại, lệch đi, cao hoàn sẽ to nhỏ không đều, rồi sẽ liệt dương, sẽ mắc những bệnh di tinh, hoạt tinh, rồi sẽ mất hết sức khỏe, có khi đến mất trí khôn, hóa diên, hóa dại, hoặc là tuyệt đường con cái.”

“Đàn bà cũng vậy, ngoài sự hỏng mất sinh thực khí, lại còn mắc chứng xích đái, bạch đái, hại đường sinh dục, mặt mày kém vẻ xuân, như cái hoa chưa nở đã tàn!”

“Thế nào là ý dâm?”

“Nghĩa là nghĩ đến sự dâm. Trai thấy gái đẹp hay đem lòng yêu mến, say mê, nếu lại có dịp tường đông ghé mắt ngày ngày hàng trông mà mặt tơ tưởng mặt lòng ngao ngán lòng thì lúc nào cũng như sẵn thấy người yêu trong trí.”

“Về phần bạn gái cũng vậy. Những lúc thư nhàn, ai lại không tơ tưởng đến tình duyên, băn khoăn về ý trung nhân, về người nay mai cùng mình xe tơ kết tóc. Đó là sự tự nhiên lắm rồi, huống chi thấy trai tài thì lòng xuân ai mà cầm cho đặng; bởi vậy mà thành ý dâm.”

“Đó là những trạng thái rất thường cho thiếu niên, nam nữ.”

“Cũng bởi vậy, thiếu niên hay mộng mị thấy được cùng nhau giao hợp y như vợ chồng. Thế là có ý nghĩ đâm dục mà thành mộng vậy. Sự ấy cũng tai hại không kém gì thủ dâm. Con trai sẽ bị bệnh ở sinh thực khí, nếu không chữa được, có khi tuyệt đường sinh dục. Con gái có khi kết thành quái thai.”

“Muốn tránh ý dâm, trai gái nên đọc những truyện anh hùng liệt nữ để chăm nuôi đức hạnh để có một ý tưởng cao xa trong óc, để hiểu biết mà gánh vác, ra công việc mà lo lắng, để không còn thì giờ nào rỗi rảnh mà có được ý dâm. Trong thời kỳ phát động xuân tình, cái câu “nhàn cư vi bất thiện” nghiệm càng thấy đúng. Vậy nên rèn luyện tinh thần đừng có những tư tưởng đáng bỉ”.

“Những trang sách đại để như vậy có một sức mạnh mầu nhiệm cảm hóa được em một cách sâu xa.”

Sự đọc cuốn sách luân lý ái tình đã đem đến cho khối óc non nớt của em biết bao nhiêu chân lý. Sự đời như vậy đã bị phô ra trần truồng. Em không còn có những quan niệm sai lạc về ái tình, về hôn sự. Em không còn trông đời bằng con mắt mơ mộng, ngây thơ. Huyền đã hiểu biết cả rồi. Huyền đã gần được như người lớn, đủ tư cách một mình xông pha, chống chọi. Sở dĩ em có những ý nghĩ tự cao, tự đại ấy cũng vì em đã nhận ra rằng loài người chẳng thanh cũng chẳng tục: sự giao hợp đã là điều ai cũng coi nhơ bẩn mà ai cũng phải thực hành, thì em chỉ nên coi nó cũng là sự hợp với tự nhiên. Ái tình cao thượng, yêu trong lý tưởng, yêu bằng tinh thần… bao nhiêu câu vẫn giả dối như thế mà bọn thiếu niên vẫn viết trong thư gửi đến nhà em đã mất hết cái pháp thuật làm cho em phải hồi hộp cảm động và quả tim em phải đập mạnh, nhất là sau khi em như chôn vào ruột một chân lý nói trong sách: giao hợp là mục đích cuối cùng của ái tình.

Không, Huyền sẽ không khờ dại đến nỗi để cho đời lừa đối được. Huyền sẽ không bao giờ có nhân tình như số đông bạn gái mà sẽ lấy chồng theo lối cổ mà thôi. Những thanh niên cố nặn ra những dáng điệu lễ độ và phong tình, và đứng đắn, và chung tình, và trong sạch, và thanh cao, vẫn gửi đến nhà Huyền những bức thư tha thiết, và nồng nàn, và văn chương, không bao giờ làm cho Huyền quên được cái chân lý rất thông thường này: ấy họ muốn ngủ với mình đó! Vì đâm ra hoài nghi, cho ai cũng là giả dối, Huyền này dám tự phụ là đã cố ý bóp bẹp mất bao nhiêu trái tim.

Ngẫu nhiên em đã đủ tư cách để coi những phút có những ý dâm là đáng hổ thẹn, cái linh hồn của em lại trở nên mạnh mẽ, đủ sức kiềm chế sự rung động của xác thịt cho thoát khỏi sự lung lạc của mọi cảnh vật xấu xa đầy rẫy quanh mình.

Em lại thấy em trong sạch, dẫu rằng không ngây thơ. Mặc dù tâm thần em đã chịu sức kích thích của bao nhiêu cơn giông tố ô trọc, phũ phàng, em vẫn coi như chưa bị vết tì ố nào cả. Em thấy một tư tưởng ngộ nghĩnh nẩy ra trong óc: nếu bọn thi sĩ bắt một người đàn bà trong sạch phải không bao giờ được có những phút mà những ý dâm, những cơn mộng mị gây ra bởi sự rạo rực về xác thịt, của tuổi xuân nó giày vò cho điêu đứng, ê chề, phải, nếu một người đàn bà trong sạch phải là người đàn bà không bị cái lẽ huyền vi của Tạo vật nhưng mà tránh khỏi cái công lệ ấy, thì không bao giờ bọn thi sĩ tìm được một người đàn bà trong sạch ở khắp thế gian! Em trong sạch? Bởi em hãy còn trinh, bởi em chưa có nhân tình, chỉ bởi có thế, và cầu được chỉ có thể ở một người đàn bà, thì cũng đã là cầu được nhiều lắm!

Khi em được yên tâm về em rồi thì cuộc đời lại hiện ra tốt đẹp, đáng sống, đầy những ngày vui… Em đã phác họa được một cái chương trình: Lấy người chồng xứng đáng, chỉ biết một người cả trong cuộc đời, phải theo đúng câu tòng nhất nhi chung[36] và trở nên vợ hiền, dâu thảo. Gia đình hạnh phúc, bốn chữ ấy nói rõ với em biết bao sự khoái lạc êm đềm.

Thế là, được trong một năm tròn, em chỉ ham vui đèn sách, học tập nữ công. Những phút sa ngã đáng hãi hùng, dù em có muốn lại cảm thấy, cũng không thể có được nữa.

Riêng em, em đã tự chủ, lại thêm có được cái dư luận rất nghiêm đối với hạng người hư hỏng. Giữa hồi ấy, xẩy ra một điều khốn kiếp tại một nữ học đường nọ: một bà đầm giám thị ký túc xá bắt được quả tang hai cô học sinh thủ dâm lẫn nhau bằng một thứ khí cụ bằng cao su… Việc ấy làm sôi nổi dư luận cả nước! Trong một thời gian khá dài, hễ nói đến phong trào gái mới, bình đẳng, nữ quyền, thiên hạ lại giở giói đến sự hành động của hai nữ học sinh kia. Những bậc thượng lưu trí thức ngồi quây quần một bàn tiệc, những anh phu xe kéo những cái xe không khách ngoài đường, bọn tôi đòi xúm nhau ở các máy nước, thôi thì từ cao đến thấp, từ nhỏ đến lớn, ở khắp các bậc thang của xã hội, người nào thiếu chuyện cũng lấy việc ấy ra làm đầu đề. Cả một xã hội đều cùng một thứ lưỡi, đều cùng một lòng công phẫn để thóa mạ sự thủ dâm kia. Lần đầu nghe thấy những lời bình phẩm ác nghiệt về việc ấy, em thấy xiết bao nỗi hãi hùng tựa hồ như chính em đương bị kết án vậy. Em run sợ nhớ lại những lúc phạm phải lỗi, rồi mừng thầm đã được cái may mắn tránh thoát búa rìu của dư luận mà vẫn giữ được thanh danh. Từ đó, em thấu hiểu sự đáng sợ của dư luận là rất cần cho nhân tâm, thế đạo. Cái sự đê nhục của người khác cũng là một thứ gương tày liếp cho em. Không là chim chết hụt vì cung tên, em cũng ngẫu nhiên ở vào cái trường hợp kính cung chi điểu… [37]

Nào có thế mà đã hết! Xã hội vẫn lắm trò. Lịch sử chỉ là những tấn tuồng luân hồi, diễn đi, diễn lại. Tháng trước, một cô khuê các bị nhân tình lột truồng trong nhà săm. Tuần lễ vừa qua, một bà tham bị có kẻ đến chửi rủa vì tội đi quyến rũ chồng người. Hôm nọ một tiểu thư chửa hoang với thằng xe.

Hôm nay, hai vị mô phạm trong giáo giới bị can tội thông gian[38]. Ngày mai… ngày kia, đời sẽ có những chuyện gì? Em cười thầm những người đáng thương hại ấy có lẽ họ đã thống mạ sự xấu của bao kẻ khác mà rồi lại cũng xấu như bọn kia, để rồi bị chửi rủa cũng thế. Em không hiểu nổi sự đời nữa, cứ hùa theo dư luận mà chê bai…

Sau khi đỗ được bằng sơ học, cho rằng con gái học thế cũng đủ rồi, thầy em bắt em thôi học. Em khôn lớn, đối với ai cũng cũng đã có một chút giá trị rồi. Cả một xã hội nức nở khen em đẹp, kính phục em ngoan. Công, dung, ngôn, hạnh, đủ đường, em bắt đầu rụt rè bước vào cuộc xã giao, bắt đầu giao thiệp với bọn phụ nữ có địa vị, có danh giá, vợ ông này, con ông khác, những người coi tiền như rác, hoặc đánh phấn một cái mặt cũng mất hết nửa ngày. Vương tôn, công tử ồ ạt kéo đến làm bạn với anh ruột của em. Những bà mối rầm rộ tin đi mối lại… Thầy em vênh váo với đời. Mẹ em cũng hóa ra kiêu ngạo, và sự đó làm em sung sướng lắm. Em mới mười sáu tuổi!

Em đương hưởng lạc thú gia đình với sự kiêu ngạo ở cái tên Nàng Thơ mà một bọn si tình ngầm dặt cho em, thì cuộc đời đổi mới của xã hội này đem cái ảnh hưởng xấu đến khuấy rối mất cái phần đức hạnh của em. Xã hội lại đáng sợ hơn cả cái tuổi dậy thì. Hồi ấy, một trận cuồng phong dữ dội thổi đến xã hội ta. Cái phong trào vật chất đến với ta bằng những danh từ điêu trá: tiến bộ, duy tân, tân sinh hoạt… nó có một sức mầu nhiệm là lường gạt nổi hầu hết mọi người. Bao nhiêu lề thói, bao nhiêu nề nếp đã bị lôi cuốn đi theo trận cuồng phong. Một trật tự của xã hội thuần túy trọng tinh thần đã bị vật chất đảo lộn ngược cả. Một bọn làm báo và văn sĩ vô lương tâm, trong khi nhốt vợ, con, chị, em của chúng vào buồng kín, rộng miệng cả tiếng cổ động cho vợ con người khác xông xáo ra xã hội sống cuộc đời mới, với chợ phiên, khiêu vũ với những mốt y phục luôn luôn thay đổi mà ngày càng phô bày mãi những bộ phận đáng giấu kín của người đàn bà. Những tờ báo mà không hiếu tân, mà không nịnh đầm, thì theo nhau mà chết. Cái tư tưởng quốc gia, cái tư tưởng xã hội bị xếp cả vào một xó. Những ai không nhắm mắt chạy theo vật chất đều bị coi là gàn, là hủ, là đáng tự tử. Báo giới đầy rẫy những mục bàn luận cách tìm khoái lạc cho xác thịt. Thanh niên không còn lý tưởng nào mà thờ, nếu không công nhận cái lý tưởng vật chất. Văn chương và mỹ thuật đã bị đem ra lợi dụng, chỉ cốt để tán dương cuộc phụng sự Dâm thần.

Những tiệm khiêu vũ phá tan hạnh phúc của gia đình, làm cho đàn bà hóa ra đĩ, làm cho đàn ông mọc sừng, hoặc chê vợ, làm cho bọn chủ săm đắc thế kiếm lợi, bọn “vua thuốc lậu” tha hồ vênh vang…

Những mốt y phục của phụ nữ, làm cho đàn bà mỗi ngày phô thêm một ít đùi, một ít đít, một ít vú… Ở những nơi thành thị, chỗ nào cũng có tiếng gọi của xác thịt, cũng có sức cám dỗ của Dâm thần. Tại những nơi thôn quê, thì vẫn nguyên những cảnh đói khát, nheo nhóc, bùn lầy nước đọng, nạn cường hào, nạn mê tín, nạn hối lộ, nạn bã rượu lậu…

Khi nhắm mắt theo cuộc đời mới, em vẫn tưởng thế là hợp thời, là văn minh. Kíp đến lúc tỉnh ngộ thì đã muộn quá rồi.

Đến lúc biết mình lầm, thì đã… làm đĩ!

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)


Tìm Hiểu Thần Số Học

Chúng tôi đang cần tìm đối tác, nhà đầu tư để chung tay xây dựng và phát triển Thư Viện Sách. Quý bạn hữu nếu quan tâm vui lòng liên hệ với ban quản trị qua email: www.thuviensach.vn@gmail.com
Xin chân thành cám ơn!

Ảnh bìa sách Làm Đĩ

LÀM ĐĨ

Tác giả : Vũ Trọng Phụng

Định dạng : Sách nói / Sách PDF

Số trang : 276

Lượt xem/nghe : 8530

Lượt đọc : 2139

Lượt tải : 282

Lượt xem Review : 2412

Kích thước : 985 KB

Tạo lúc : Tue, 01/11/2022 15:00

Cập nhật lúc : 00:07am 12/04/2024


THỂ LOẠI

Mua Sách Giấy Close
qrcode

Độc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Làm Đĩ PDF của tác giả Vũ Trọng Phụng nếu chưa có điều kiện.

Tất cả sách điện tử, ebook trên website thuviensach.vn đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.

Cám ơn sự hỗ trợ, động viên để duy trì và phát triển website. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN:
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu (*)
Bình Luận: (*)
Họ và tên: (*)
Email: (*)

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTinh Hoa Giáo Dục - Di Sản Cho Muôn Đời Sau


KHOA HỌC TÂM LINH:

Radio Truyện Ngắn (Top views)
Theo Ngày
Theo Tuần
Theo Tháng