KHI TỰA GỐI KHI CÚI ĐẦU
Tác giả : Cao Huy Thuần
Giọng đọc : Như Minh
NXB : Văn Học
Năm xuất bản : 2011
Định dạng : Sách nói
Lượt xem/nghe : 129
Lượt tải AudioBook : 3
Thời lượng: 08:06:12
Tạo lúc : Sat, 29/10/2022 16:25
Cập nhật lúc : 20:04pm 04/10/2024
Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank
TỦ SÁCH TINH HOA:
“Anh viết thoải mái như trò chuyện, từ chuyện trời đất, chuyện quốc gia, nhân loại, chuyện lịch sử, văn hoá, chuyện chính trị, tôn giáo, đến chuyện đời thường, uống trà, nhìn trăng, ngắm hoa, đều nhỏ nhẻ giọng tâm tình nhẹ nhõm, đôi khi hóm hỉnh, hài hước, mà chuyện nào cũng in dấu ấn riêng, cũng đậm đà dưỡng chất bồi bổ nhân tính.” Nguyễn Duy (trích Thư giới thiệu) “Anh là người chiếm lĩnh vững chắc văn hóa phương Tây, để từ đó càng rất thâm thúy về phương Đông, văn hóa và triết học phương Đông, và càng có điều kiện để suy nghĩ sâu hơn, nhạy bén hơn, ráo riết hơn về đất nước và dân tộc mình, mục tiêu cuối cùng của mọi ưu tư thường trực và đầy trách nhiệm của anh.” Nguyên Ngọc (trích giới thiệu Thế giới quanh ta)
“Cao Huy Thuần là cây bút hóm hỉnh. Thảng hoặc đây đó tác giả có những lúc mỉm cười hoặc bật cười dí dỏm. Người đọc lập tức được nhắc nhở rằng một ông giáo, một bậc tu hành cũng nhiều lúc cười, mà cười rất thật.” Hồ Anh Thái (trích giới thiệu Nắng và Hoa) “Cũng xin đề nghị bạn đừng ‘dại’ như tôi khi đọc quyển sách một cách vội vàng, ham hố như nuốt trọng một món ăn ngon, ‘ngưu ẩm’ một cốc cam lồ. Uổng lắm! Hãy xem nó như một chuỗi hạt, bắt đầu từ đâu cũng được, với tất cả sự an tĩnh và ung dung. Thêm cả sự vui vẻ nữa, vì tác giả cũng là một bậc thầy của sự hài hước.” Bùi Văn Nam Sơn (trích giới thiệu Thấy Phật)
*****
Trích Khi tựa gối khi cúi đầu Hạnh phúc trong thơ Tôi rất vui được mở đầu năm mới Tân Mão bằng một buổi nói chuyện về hạnh phúc với các anh chị văn nghệ sĩ ở Huế. Chân thành cảm tạ Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế và Trung tâm Văn hóa Liễu Quán đã cho tôi cái hân hạnh đặc biệt này. Hạnh phúc… Chắc các anh chị không khỏi phản ứng khi đọc cái nhan đề này của buổi nói chuyện này. Hạnh phúc trong thơ? Thơ gì? Thơ nào? Thơ của ai? Vâng, tôi cố ý mông lung như vậy, bởi vì, quả thật, hạnh phúc là một cái gì quá mông lung, tôi biết tôi đang đi vào một thế giới mông lung, không phương hướng. Hạnh phúc? Đố ai định nghĩa được chính xác là gì.
Trăm người, trăm ý. Hỏi thơ, thơ lại càng bí, vì thơ là để nói lên cảm xúc, mà vui buồn thì có trăm dạng khác nhau, đâu có phải vui nào cũng đồng nghĩa với hạnh phúc? Thậm chí, có người cho rằng khi con mèo hành hạ con chuột, giả bộ lim dim mắt để chuột chạy rồi bắt lại, ấy là lúc nó khoái trá lắm, sướng lắm, nghĩa là hạnh phúc lắm. Thế thì Hoạn Thư hạnh phúc vô cùng khi hành hạ Kiều chăng? Cái mỹ từ bình dân để nói lên cái khoái trá ấy là “đã”. “Đã quá!” Thế thì “đã” cũng là một trạng thái của hạnh phúc sao? Ý tứ mông lung trong đầu tôi lại càng sương mù hơn nữa vì chính cái từ kép “hạnh phúc”.
Thế nào là “hạnh”, thế nào là “phúc”? Nghĩa của “phúc” khá rõ, nhưng “hạnh” là gì? Không biết rõ là gì, sao ghép “hạnh” vào “phúc”? Mà từ bao giờ ngôn ngữ của ta cặp đôi hai từ đó với nhau? Từ bao giờ, miệng Việt Nam và chữ Việt Nam thốt lên cái từ kép “hạnh phúc”? Giá như tôi làm ông cụ đồ nghiên cứu, chắc tôi sẽ hí hửng lật từng trang văn học cổ để xem cái từ kép ấy xuất hiện lần đầu lúc nào, ở đâu, trong áng văn nào. Bởi vì tôi nghi rằng cái từ kép ấy chỉ mới xuất hiện gần đây thôi. Đọc thơ cổ, tôi không thấy. Hoặc là tôi dốt, chưa biết đến nơi đến chốn.
Hoặc là… không chừng nghi vấn tào lao của tôi có cơ sở chăng, nghĩa là: không chừng cái từ kép ấy chỉ mới xuất hiện từ khi tiếp xúc với văn hóa Tây phương. Nếu vậy, phải chăng hạnh phúc là khái niệm nhập cảng từ phương Tây? Mông lung trong đầu tôi bắt thêm nguồn từ mối nghi ấy. Bởi vì, nếu vậy, chẳng lẽ tôi phải bắt đầu bài nói chuyện của tôi bằng khái niệm hạnh phúc trong triết lý Tây phương? Nếu tôi là một người nghiên cứu cẩn thận, tôi phải đọc lại những Hồ Biểu Chánh, những Nguyễn Chánh Sắt, những nhà văn đầu tiên ở Nam Kỳ để kiểm tra nghi vấn của tôi. Nhưng… hôm nay là ngày Tết Nguyên tiêu, tháng Giêng ăn chơi, cho phép tôi tạm miễn cái việc nghiên cứu bác học đó để nói những chuyện bâng quơ, thơ thẩn thường ngày. Và như thế là để được mông lung dạo chơi với các anh chị trong thế giới mông lung của hai từ hạnh phúc.
Trong thế giới mông lung đó, tôi thấy tôi trở về lại với thời ấu thơ, khoảng mười tuổi, lần đầu tiên thấy một chiếc gối trắng tinh, trên đó có thêu hai con chim châu mỏ vào nhau và bốn chữ “trăm năm hạnh phúc”. Chủ nhân của chiếc gối là một phụ nữ tân tiến, trẻ đẹp, độc giả say mê của Tự Lực Văn Đoàn. À ra thế, tôi nghĩ bụng, hạnh phúc là hai con chim châu mỏ vào nhau. Về sau, tôi thấy nhiều chiếc gối như vậy, vẫn hai con chim, khi thì cùng bay, khi thì cùng ngậm một chiếc lá. Không mơ hồ gì nữa, hạnh phúc là thế. Và hạnh phúc đó đi vào ngôn ngữ chúc tụng đám cưới: “trăm năm hạnh phúc” thay thế cho “bách niên giai lão”. Một ngôn ngữ tươi trẻ thay thế một ngôn ngữ già nua.
Cùng với việc đổi thay ngôn ngữ, triết lý hôn nhân thay đổi theo. Một khái niệm trừu tượng thay thế một khái niệm cụ thể. Trăm năm cùng già với nhau là định nghĩa vô cùng cụ thể của hạnh phúc lứa đôi. Cùng già với nhau là không bỏ nhau nửa chừng: thế là hạnh phúc. Không người này chết trước, người kia chết sau: thế là hạnh phúc. Bởi vì không có gì bất hạnh bằng người chết sau. Không có cái vai nào gánh được một đòn gánh gãy đôi. Xanh, cùng nhau xanh tóc. Bạc, cùng nhau bạc đầu. Còn “trăm năm hạnh phúc” là nghĩa lý gì? Cái gì cụ thể kéo dài trăm năm? Yêu nhau? Nhưng yêu là gì? Con tôi đâu có yêu nhau theo kiểu Tự Lực Văn Đoàn nữa? Và có ai yêu nhau cùng một kiểu từ lúc ban đầu đến khi trăm tuổi? “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” là cái lưu luyến của chị Loan đứng vin cành mai nhìn anh Dũng đi xa.
Giá như anh chị lấy nhau, chẳng lẽ cứ bắt chị Loan vin cành mai suốt trăm năm mới gọi rằng yêu? Vậy thì cái gì kéo dài suốt trăm năm để anh chị ấy có thể nói với nhau là hạnh phúc? Chúc vợ chồng người ta cái mà mình không biết là cái gì, ấy là chúc ảo, lấy ảo làm chân. Lẩn thẩn, tôi đi xa hơn chút nữa trong ý nghĩ. Nếu hạnh phúc là một từ mới ở ta, phải chăng đó cũng là một từ mới ở Tàu? Khi Tàu chưa có thì ta cũng chưa có? Tàu có “phúc” thì ta cũng có “phúc”? Tàu chưa có “hạnh” thì ta cũng chưa có “hạnh”? Tôi thử tìm trong sách vở thì không chừng nghi vấn này có cơ sở vì có người viết: từ “hạnh phúc” chỉ mới xuất hiện bên Tàu gần đây thôi. Trước, từ đời Đường, họ chỉ viết “phúc”, và “phúc”, lúc đầu, có nghĩa là “dâng bình rượu đầy lên bàn thờ”. Như vậy, ý nghĩa nguyên thủy của “phúc” là thờ phụng, là cầu mong, cầu xin. Cầu xin gì? Khai quật các mồ mả đời Đường, họ thấy cái gì người sống muốn thì người chết đều có, người sống muốn giàu sang thì người chết cũng phải được hưởng giàu sang. Do đó,...
Dưới đây là những tác phẩm đã xuất bản của tác giả "Cao Huy Thuần":
Độc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Khi Tựa Gối Khi Cúi Đầu PDF của tác giả Cao Huy Thuần nếu chưa có điều kiện.
Tất cả sách điện tử, ebook trên website thuviensach.vn đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.
Bài Trước Đó | Bài Tiếp Theo |