REVIEW SÁCH KHÔNG SỢ CHẬM CHỈ SỢ DỪNG

Tác giả: Vãn Tình

7794-khong-so-cham-chi-so-dung-1.jpg

Tiếp nối sự thành công của các tác phẩm như “Bạn đắt giá bao nhiêu?”, “Khí chất bao nhiêu, hạnh phúc bấy nhiêu”, “Lấy tình thâm mà đổi đầu bạc”, Vãn Tình lại một lần nữa khuấy động quý đông đảo độc giả, đặc biệt là phái đẹp với màn trở lại của siêu phẩm Không Sợ Chậm, Chỉ Sợ Dừng. Vẫn là những quan điểm thẳng thắn và đánh trúng tâm lý các cô gái, sự trở lại lần này của cô mang một hơi thở mới, trung tính hơn, là những bài học không chỉ dành cho phái nữ mà còn cả nam giới, về sức mạnh của tính kỷ luật và tự giác để có thể trở thành phiên bản tốt hơn mỗi ngày.

Sách bao gồm những bài học nhân sinh sâu sắc, cùng với những lời khuyên sâu sắc hứa hẹn sẽ mang đến cho độc giả những bài học để chiêm nghiệm và học hỏi.

Càng kỷ luật, bạn sẽ càng tiến gần đến sự tự do

Nhiều người luôn cho rằng, bản thân mình không thể nào kiên trì được nữa, hoặc bản thân họ không đủ tự giác, và kỷ luật. Còn tôi cho rằng, đó là vì họ chưa thật sự hiểu rõ vấn đề.

Tìm mua: Không Sợ Chậm Chỉ Sợ Dừng

Ví dụ như nhiều người đều cho rằng, học hành là vất vả, khởi nghiệp là gian nan, cố gắng là mệt mỏi. Nhưng theo những gì tôi biết thì hoàn toàn ngược lại. Cứ mỗi khi học hành mệt mỏi, tôi sẽ tự nhắc nhở mình rằng: Nếu mày không khổ luyện thì sẽ phải sống khổ sở thôi.

Khi bạn không đủ hiểu biết, gặp được một thằng đàn ông tồi lại cứ nghĩ là chân ái, cuối cùng lãng phí thanh xuân, hao tổn tinh thần. Có khổ không?

Khi bạn học hành không đủ, cơ hội đến chỉ biết trân trân đứng nhìn nó dần tuột khỏi tầm tay. Có khổ không?

Khi bạn chưa từng vì học hành cẩn thận, chưa từng tưởng thành, gặp phải vấn đề gì đó không tự giải quyết cũng chẳng thể tự nhờ cậy được ai, kêu trời trời không nghe, than đất đất không thấu. Có khổ không?

Khi bạn chứng kiến những người bạn xung quanh mình sống sung túc, cuộc đời luôn tràn đầy hy vọng, trong khi đó chỉ có mỗi mình sống nửa đời người mà chưa làm được tích sự gì. Có khổ không?

Khi cha mẹ người khác đang được hưởng tuổi già, con cái thì đều đã không lớn, thành đạt, còn bạn… bố mẹ thì không thể phụng dưỡng, con cái không thể nuôi nấng. Bạn không thể đáp ứng bất cứ yêu cầu nào của họ. Lúc thấy người ta có đời sống cao như vậy, có khổ không?

Vậy nên tôi vẫn luôn nhắc nhở bản thân mình mỗi ngày rằng: Chỉ cần hôm nay tôi sống tự giác và kỷ luật hơn một chút, cố gắng hơn một chút thì nhất định sẽ không phải trải qua những nỗi khổ ấy. Ngược lại tôi sẽ có được niềm vui sướng vô tận mà cuộc sống này mang lại.

Học hành khiến cho người ta mở mang tầm nhìn, còn kỷ luật lại khiến cho người ta trở nên cao quý, và nho nhã.

Bản thân sự kỷ luật đã mang đến cho bạn rất nhiều sự tự do cho dù lúc đầu khi tự kỷ luật bản thân bạn sẽ thấy khó khăn và mệt mỏi vô cùng, không chỉ về tinh thần mà còn cả thể xác, tuy nhiên dù biết là kỷ luật rất khó, nhưng có một số người vẫn sống kỷ luật như vậy. Vậy lý do là gì?

Thực ra tất cả những người có thể sống tự giác và kỷ luật đều chỉ có một lý do: Họ đã nếm thử TRÁI NGỌT mà SỰ KỶ LUẬT đó mang lại.

Riêng bản thân mình, việc sống kỷ luật mang đến cho mình rất nhiều cơ hội và sự tự do. Điển hình là việc tập thể dục hằng ngày, cứ 30 phút mỗi ngày cũng khiến cho tâm trạng của mình ngày một tích cực và tốt đẹp hơn. Cơ thể khỏe mạnh hơn, tinh thần cũng phấn chấn và có năng lượng để bắt đầu một ngày một cách tốt nhất có thể. Tuy mỗi ngày cơ thể đều đau nhức, nhưng cảm giác và lợi ích sau đó đều luôn khiến mình vô cùng hài lòng.

7794-khong-so-cham-chi-so-dung-2.jpg

99% vấn đề không thể giải quyết đều có thể giải quyết bằng cách này.

Trong cuộc sống, mối quan hệ giữa người với người, sẽ khó tránh khỏi những lúc chúng ta quá kỳ vọng vào người khác. Lúc nào bạn cũng muốn người khác thay đổi vì mình, chỉ vì bạn là vợ/chồng của ai đó thì đó là lý do mà bạn muốn người bạn đời của mình thay đổi một khía cạnh nào đó để đáp ứng mong muốn của bạn. Hoặc đối với quan hệ mẹ chồng nàng dâu thì những câu hỏi đại loại như: “Mẹ chồng tôi ích kỷ lắm, chẳng bao giờ giúp tôi trông con, làm thế nào để bà giúp mình đây?”; “Em chồng tôi đáng ghét vô cùng, lúc nào cũng đến nhà chúng tôi, phải làm sao để vừa giữ được hòa khí, vừa bảo cô ấy hãy đến ít thôi?”.

Thật ra có nhiều câu hỏi sẽ không bao giờ có đáp án, đặc biệt trong trường hợp bạn đòi hỏi người khác phải thay đổi cho vừa ý mình, trong khi bản thân mình KHÔNG CHỊU THAY ĐỔI.

Theo tâm lý học, bản chất con người không thích thay đổi. Nếu có đi chăng nữa, thì bản thân họ phải có lý do chính đáng và đủ động lực nội tại để bắt đầu quá trình thay đổi.

Nói cách khác, tính cách của họ đã như vậy suốt bao nhiêu lâu rồi, sao giờ lại tự nhiên thay đổi? Vì bạn muốn họ thay đổi sao?Bạn nghĩ gì cơ chứ? Muốn ai đó thay đổi thì họ phải có động lực, đủ thấu hiểu, không thì cớ gì họ phải làm vậy?

Trong cuộc sống, nhiều người chưa nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo. Trong đầu lúc nào cũng suy nghĩ lung tung vào những câu chuyện luẩn quẩn như vậy. Đối phương càng không muốn thay đổi thì họ lại muốn làm cho đối phương thay đổi. Cứ như vậy thì kết quả không được như ý muốn, quay đầu nhìn lại thì cuộc đời này đã bị phí hoài mất bao lâu rồi?

Đôi lúc, có nhiều vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, từ bỏ là cách đơn giản và sự lựa chọn hợp lý nhất. Không nhất thiết khi yêu cầu ai đó thay đổi cho vừa ý bạn mà gào thét với thế giới này bất công. Cái bất công là lòng người khó đoán.

Thật ra, trước khi đòi hỏi người ta thay đổi vì một vài lý do muốn tốt cho chính họ thì cuối cùng bạn chỉ nhận được về sự thất vọng. Hãy bắt đầu từ chính bản thân mình. Đừng đóng vai thành người bị hại rồi lúc nào cũng đắm chìm trong sự giày vò và bực dọc. Thực tế thì bản thân sự việc không phức tạp, nhưng vì bạn suy nghĩ quá nhiều dẫn đến tự chuốc lấy họa vào thân.

Điều chúng ta có thể làm là thay đổi những điều mình có thể thay đổi và chấp nhận những điều mình không thể thay đổi, đó cũng là một loại tri thức. Điều khiến bạn vẫn phải luôn bận tâm, nhưng nhất thời chưa thể nghĩ ra cách giải quyết, vậy chi bằng hãy tạm gác nó lại rồi tìm cách khác.

Chỉ cần mỗi ngày bạn trưởng thành hơn một chút, ưu tư hơn một chút thì tự khắc những người xung quanh bạn cũng sẽ nhận được những nguồn năng lượng tích cực từ bạn, từ đó tự thay đổi bản thân theo chiều hướng tốt đẹp nhất. Từ đó, bạn sẽ là nguyên nhân chính để đối phương có thể thay đổi. Vậy nên mới có câu: Đừng cố gắng thay đổi thế giới, hãy bắt đầu từ việc thay đổi chính mình trước.

Khi bản thân mình đủ mạnh mẽ, đủ thành công thì những người xung quanh tự nhiên sẽ được tiếp nhận nguồn năng lượng tích cực ấy. Nó sẽ khiến cho những người tiếp xúc với mình được tiếp thêm động lực, để từ đó, khơi dậy những suy nghĩ và mong muốn thay đổi tích cực sâu bên trong họ. Và khi bản thân họ đã muốn thay đổi thì mọi thứ sẽ cứ tự nhiên mà đến.

7794-khong-so-cham-chi-so-dung-3.jpg

Người thực sự lợi hại có hai kiểu.

Ai trong cuộc sống cũng đều có ước mơ và lý tưởng của riêng mình. Ai cũng có mưu cầu theo đuổi hạnh phúc và thành công. Tuy nhiên, cách chúng ta theo đuổi như thế nào quyết định chúng ta là ai và cuộc sống sau này trong tương lai như thế nào.

Một cuộc sống tươi đẹp sẽ tự nhiên mà đến sau những cố gắng và nỗ lực đúng mực, chứ không phải là gượng ép bản thân chạm được rồi lại phải trả giá. Dù trong bất kì con đường nào dẫn đến thành công, bạn cần phải tự lượng sức và năng lực của mình. Khi bạn chưa đủ năng lực và thực lực để trả tiền, thì tốt nhất bạn nên nghĩ cách kiếm tiền trước rồi hẵng nghĩ đến chuyện tới một nhà hàng đắt đỏ để dùng bữa. Không phải cứ đi ăn cho sang rồi về nghĩ cách trả nợ.

Sự tàn khốc của cuộc đời ở chỗ, không phải ai cũng có thể đạt được những lý tưởng của mình, và có rất nhiều người đánh giá quá cao năng lực của bản thân. Tuy nhiên, cũng có người vừa có khao khát một cuộc sống tốt đẹp nhưng lại biết cách hài lòng với hiện thực, với cuộc sống bình phạm.

Vì vậy, người thực sự LỢI HẠI có 2 kiểu:

Một là biết rõ năng lực của bản thân, nguyện sẽ dốc hết sức để thực hiện những nguyện vọng đó, luôn phấn đấu học hành để trang bị kiến thức đầy đủ, cố gắng để xây dựng sự nghiệp vững chắc; không ngừng bồi dưỡng, nâng cao năng lực bản thân; cố gắng để đạt được những điều mình muốn. Bởi vì họ thật sự có khả năng, có năng lực đến cuối cùng họ sẽ đạt được những gì mình mong muốn.

Còn một kiểu người biết rõ mình chỉ là một người bình thường nên chấp nhận sự thật rằng, khả năng của mình cũng chỉ có vậy. Chính vì thế họ sẽ thẳng tay dập tắt những ham muốn nằm ngoài tầm với.

Trong cuộc sống, hai kiểu người này đều là kiểu người thông minh!

Dù bạn có lựa chọn như thế nào thì nên sống hết mình và tin tưởng vào sự chọn lựa ấy.

Trong cuộc sống, con người chúng ta sẽ phải liên tục lựa chọn và gánh vác điều gì nên làm và điều gì thì không. Thậm chí, những lựa chọn nhỏ nhặt nhất chúng ta cũng phải thực hiện, dù bản thân có muốn hay không.

Về khía cạnh công việc, sự nghiệp, tình cảm, hay mối quan hệ con người, một khi đã lựa chọn thì bạn luôn phân vân liệu rằng lựa chọn của mình có thật sự tốt không?

Trong tình yêu, bạn nên lấy một người yêu mình hay ngược lại?

Trong hôn nhân, bạn có nên lấy một người chồng giàu hay một người thật lòng yêu thương mình?

Trong công việc, bạn có nên làm hết mình trong công việc hay chỉ làm qua loa, thờ ơ cho qua ngày?...Và còn nhiều câu hỏi khác về những khía cạnh khác trong cuộc sống của bạn nữa.

Tuy nhiên, thật ra những câu hỏi này sẽ khó có đáp án rõ ràng cho bạn. Mỗi người đều có những suy nghĩ và lập trường riêng. Vì cách chúng ta trải nghiệm cuộc sống sẽ dẫn đến cách chúng ta sống một đời của mình như thế nào. Thực tế, việc lựa chọn không khó, nhưng để từ bỏ những gì không thuộc về mình mới khó.

Tôi học được một điều rằng, cho dù bạn có lựa chọn như thế nào thì hãy hết mình cho lựa chọn đó.

Nếu trong tình yêu, đã lựa chọn yêu một người thật sự yêu mình thì bạn hãy hết lòng và trân quý người đó.

Nếu trong hôn nhân, nếu chọn lấy một người chồng giàu thì hãy tận hưởng cuộc sống vật chất đầy sung túc đó. Nếu nếu chọn lấy một người thật thà, không nhất thiết phải có điều kiện kinh tế tốt thì hãy trân trọng họ. Đừng ngó đông ngó tây, và rồi lại so sánh vì sao đối phương không có cái này hay cái kia như người mà bạn đang tưởng tượng.

Nếu trong công việc, nếu đã lựa chọn một công việc nhàn nhã, ổn định thì hãy hết lòng vì công việc đó. Đừng ngồi đó suy nghĩ và tiếc nuối tại sao mình không làm công việc khác tốt hơn.

Chỉ khi thật sự bạn trân trọng sự lựa chọn của hiện tại, làm tốt nhất những gì có thể trong khả năng thì ít ra bạn sẽ không phải nuối tiếc đến cuối đời.

Nhiều người trong chúng ta thường hay thắc mắc và hay lên tiếng chỉ trích về sự lựa chọn của người khác, nhưng thật ra họ chưa thật sự hiểu rõ vấn đề. Ai cũng có thể chọn lựa cho mình một cuộc sống mình muốn, chỉ có khác nhau ở chỗ là họ có thật sự sống hết mình cho lựa chọn ấy không mà thôi. Miễn người trong cuộc hài lòng và vui vẻ thì xem như họ đã không sống phí hoài.

Dù có chuyện gì không như ý muốn của bạn, hãy nhớ về lòng nhiệt thành và trái tim thuở ban sơ của mình.

Trong câu chuyện, tác giả Vãn Tình có nhắc đến câu chuyện về một người bạn của cô. Mặc dù đã bốn mươi nhưng lại bị công ty điều chuyển đi công tác nơi khác. Lúc mới đầu vào công ty, anh ta làm việc rất nhiệt tình và chăm chỉ, tuy nhiên chỉ sau khi nhận định những đồng nghiệp khác làm việc thì lười biếng và chểnh mảng nhưng sếp vẫn không cho thôi việc, ngược lại còn trọng dụng hơn, anh ta bắt đầu lười biếng theo. Mọi người đều làm việc như vậy nhưng sếp vẫn bỏ qua, vậy tại sao mình phải cố gắng?

Vậy là suy nghĩ ấy bắt đầu chiếm lấy tinh thần của anh ta. Cứ thế mười mấy năm trôi qua vẫn làm việc một cách qua loa và thờ ơ. Đột nhiên, năm ấy công ty có sự thay đổi về Giám đốc. Giám đốc mới vừa nhậm chức đã nhận thấy sự bất ổn trong thái độ làm việc của tất cả nhân viên, kể cả anh ta. Thế là cuối cùng, anh ta không bị thôi việc nhưng lại bị điều chuyển sang một vị trí thấp khác.

Qua câu chuyện, tác giả muốn cho chúng ta thấy mỗi khi có chuyện gì không như ý muốn của bạn, hãy nhớ về trái tim và lòng nhiệt thành thuở ban sơ của mình - hay còn gọi là sơ tâm.

Có một lần Vãn Tình đã khuyên anh ta rằng:

Anh ta là anh ta, cậu là cậu. Anh ta lười kệ anh ta. Cậu chăm chỉ thì cứ chăm chỉ đi. Cuộc đời luôn đối xử rất công bằng, sao cậu lại học theo cái thói chểnh mảng, lười biếng ấy của người ta? Đừng nghĩ mãi về khối lượng công việc của cậu nhiều hơn hay vất vả hơn người ta. Vì cuối cùng, những thứ cậu học được từ công việc là dành cho cậu chứ không phải người khác.

Thế nên, bài học mà bạn cần phải học là cho dù đã quyết định lựa chọn như thế nào, hãy luôn nhớ về lòng nhiệt thành và lý tưởng ngày ban đầu khi bạn bắt đầu. Đừng bị người khác ảnh hưởng đến sơ tâm của chính mình.

Nhiều chị em bước vào độ tuổi trung niên rồi rơi vào cảnh ly hôn không được, sống chung tiếp cũng chẳng xong, đó là bởi vì họ đã quên mất rằng trong hôn nhân, phải không ngừng trưởng thành, thấu đáo và hiểu chuyện.

Ai cũng vậy, đã đi làm thì đều có tâm nguyện làm nên sự nghiệp lớn. Vậy thì đừng vì bất cứ ai mà thay đổi tâm nguyện ban đầu của chính mình.

Cho dù người khác có như thế nào, chỉ cần lòng bạn còn chứa đựng ngọn lửa nhiệt huyết và trái tim chân thành cho những lý tưởng cao đẹp của mình như ngày đầu thì bạn đã hạnh phúc hơn rất nhiều người rồi.

Nếu không hiểu những điều này, bạn sẽ mãi là một “kẻ tốt bụng” không được nghênh đón.

Rõ ràng mình tốt bụng là thế, nhiệt tình giúp đỡ mọi người là thế, cuối cùng lại để người ta nghĩ rằng mình đang làm từ thiện miễn phí; rõ ràng với lãnh đạo thì kính cẩn như vậy, với đồng nghiệp thì hào nhã như vậy, cuối cùng lòng tốt lại bị người ta lợi dụng; rõ ràng là đã một lòng hy sinh vì gia đình, không oán trách, không hối hận, cuối cùng vẫn chẳng ai xem mình ra gì. Nhiều người khi gặp cảnh đó đều cảm thấy oan ức, tức giận, cho rằng lòng người tệ bạc, còn bản thân mình thì thật bất hạnh vì đã gặp phải những kẻ “ ăn cháo đá bát”. Chính vì thế mà nhiều người than vãn rằng xã hội này sao mà phức tạp quá.

Thực ra không phải xã hội phức tạp mà là LÒNG NGƯỜI KHÓ ĐOÁN. Nếu bạn muốn có được chỗ đứng trong xã hội này thì phải hiểu thật rõ bản chất con người và cách sử dụng nó. Nếu chỉ một lòng cho đi thì mối quan hệ giữa người với người có bền vững hay không còn phụ thuộc vào may mắn.

Vậy phải làm sao để hiểu tường tận bản chất con người và áp dụng nó?

Trước hết, với những người khác nhau ta phải có thái độ đối xử khác nhau. Từ nhỏ ta đã được dạy rằng, phải lương thiện, phải bao dung, nhưng trên thực tế thì đó chỉ là trên lý thuyết. Cuộc đời này có biết bao nhiêu kiểu người, chúng ta không thể dùng một cách nói chuyện áp dụng cho tất cả được.

Tiếp đến, hãy tin tưởng rằng, bản tính con người là ích kỷ, đặc biệt là với những người không thân thiết với mình. Bạn cảm thấy họ rất tệ? Không! Chỉ là họ đang đưa ra lựa chọn có lợi nhất cho mình mà thôi.

Việc đề cử một người lười biếng làm trợ lý cho giám đốc thì sẽ có lợi hơn cho họ hơn là người làm việc chăm chỉ và vất vả. Bởi lẽ, người lười biếng thì ngay cả bản thân còn đi muộn về sớm, không kiểm soát bản thân được tốt thì có tư cách gì để ra lệnh cho người khác; ngược lại, một người làm việc chăm chỉ thì sẽ có phần nghiêm túc hơn, họ sẽ nêu rõ vấn đề, thậm chí là góp ý công khai nếu như trong quá trình làm việc có sự sai sót hoặc mâu thuẫn không đáng có. Vậy bạn thử hỏi, ai sẽ là người có thể mang lại cho bạn lợi ích tốt nhất?

Cuối cùng, hãy hiểu rằng bản chất con người luôn có tính “trơ” - tức là khó lòng thay đổi một điều gì đó. Khi người ta không cho bạn cái gì, nhưng bạn vẫn tiếp tục hy sinh thì người ta sẽ thờ ơ với bạn. Đó không phải là vì họ tệ bạc, cũng không phải họ bỉ ổi mà là đối với một mối quan hệ chắc chắn, mọi người thường tỏ ra khá lơ là.

Bạn nhất định phải cho đối phương cảm thấy rằng: Tôi sẽ đối xử tốt với anh, nhưng nếu anh không tốt với tôi, tôi sẽ rút lại hết lòng tốt của mình. Tôi lương thiện, nhưng lòng lương thiện của tôi cũng rất sắc nhọn.

Chính vì vậy, khi bạn hiểu rõ bản chất con người và không dùng lòng tốt của mình một cách tùy tiện thì bạn sẽ làm chủ cuộc đời của mình một cách tốt nhất. Ngược lại, nếu bạn chẳng hiểu gì về bản chất con người mà lại cho đi một cách ngu ngốc thì chẳng những người ta không cảm động vì lòng tốt của bạn, mà còn dễ dàng bỏ qua những suy nghĩ, và cảm nhận của bạn.

Tại sao bạn chỉ có ba phút nhiệt tình?

Có rất nhiều người trong chúng ta đều mong muốn đạt được một điều gì đó, một ước mơ hay một mục tiêu nhất định. Tuy nhiên, để kiên trì theo đuổi việc đó thì khó khăn vô cùng. Bất kể làm việc gì thì chúng ta cần thời gian.

Tâm lý chúng ta thường hay mong muốn có được kết quả sớm nhất có thể, nhưng đời không như là mơ. Không hề có chuyện “một đêm đổi đời”, nếu có đi chăng nữa thì chuyện đó vô cùng hiếm nhoi.

Kh bắt tay vào làm một việc nào đó, thường cảm giác ban đầu sẽ rất phấn chấn và tràn đầy năng lượng. Nhưng càng về sau thì cảm giác muốn từ bỏ lại đến với bạn ngày càng gần.

Bạn chỉ được ba phút hết mình là vì khi đưa ra lựa chọn, nhiều người đã không nghe tiếng gọi từ tâm can của chính mình. Họ lựa chọn một cách qua loa, hoặc không xuất phát từ mong muốn của chính họ, có thể những kỳ vọng từ cha mẹ, người thân hay bạn bè xung quanh.

Theo Vãn Tình, điều ta cần làm trước khi đưa ra một lựa chọn nào đó nhất định phải phù hợp với ba yêu cầu:

Một, đó là điều mình thích.

Hai, đó là sở trường của mình.

Ba, có tương lai.

Bởi vì chỉ khi đáp ứng đủ ba yêu cầu này mới có thể khiến chúng ta muốn cố gắng và kiên trì. Làm điều mình thích ta mới có thể thuyết phục mình: hãy làm, hãy làm tiếp đi, đừng dừng lại; làm việc gì đó là sở trường của mình thì mới dễ thành công. Mà thành công lại chính là động lực lớn lao nhất để người ta kiên trì làm những việc có thể thấy được tương lai thì mới có thể tự tin mà cố gắng.

Tiếp theo, đó là quá nóng vội và hấp tấp, chưa làm đã muốn thành công.

Thật ra, mọi sự việc muốn làm nên việc lớn đều cần thời gian. Có người thì vừa mới viết được dăm ba bài văn đã vội hỏi khi nào mới có thể trở thành nhà văn nổi tiếng? Có những người chưa làm được bao lâu mà đã nhảy việc, nhưng mà không ai ngờ rằng chẳng nơi nào muốn nhận một người thích nhảy việc cả.

Thời gian và sức lực của bạn có hạn. Bạn nên đầu tư cho thật kỹ càng vào những việc quan trọng. Thời gian không cho phép chúng ta lãng phí vào việc nay làm cái này, mai làm cái khác. Khi muốn làm bất cứ điều gì từ bàn tay trắng, chúng ta càng phải cố gắng, nỗ lực và đủ kiên trì để có thể đạt những thành tựu nhỏ bé vì đơn giản chúng ta chỉ là những con người bình thường.

7794-khong-so-cham-chi-so-dung-4.jpg

Làm thế nào để bản thân thoát ra những suy nghĩ mông lung và đáng sợ? Bí quyết chính là: nghĩ ít đi và làm nhiều hơn.

Vì sao nhiều người lại rơi vào trạng thái hoang mang, mơ hồ về cuộc sống về chính cuộc sống và tương lai của chính mình? Nguyên nhân cũng chẳng đâu xa ngoài hai điều này:

Một, thiếu mục tiêu rõ ràng

Bạn cần phải xác định mục tiêu của mình là gì, sau đó theo đuổi chúng đến cùng. Nếu không có mục tiêu thì giống như ra khơi, không biết mình đi về hướng nào. Nhiều người nói rằng: “Em không biết mình thích gì thì lập mục tiêu như thế nào ạ?”. Thật ra, bạn còn không biết mình thích gì thì người khác càng không thể biết được.

Bạn hoang mang bởi vì bản thân quá lười nhác, đến việc thời gian để suy nghĩ xem mục tiêu mình muốn hướng tới là gì cũng không muốn làm, chỉ muốn người khác nghĩ sẵn thay mình. Thử hỏi như vậy, liệu có thể không hoang mang?

Hai, có mục tiêu nhưng không đủ động lực để thực hiện

Khi một người cảm thấy không hài lòng với cuộc sống hiện tại, nhưng lại không muốn làm gì để thay đổi nó thì rất dễ cảm thấy lo âu và rối bời. Nghĩ quá nhiều nhưng lại làm quá ít, dẫn đến hoang mang.

Một người hoang mang thật ra trong lòng vẫn còn ấp ủ sự nhiệt thành và mong muốn theo đuổi một điều gì đó. Hoang mang suy cho cùng cũng vì sức mình có hạn mà mong muốn thì vô biên. Một ngày nào đó, khi đã sẵn sàng làm bạn với vất vả, bắt tay làm từ đầu những điều nhỏ nhặt nhất thì bạn sẽ tìm con đường của mình cần đi và không còn nỗi lo lắng, hoang mang bủa vây nữa.

7794-khong-so-cham-chi-so-dung-5.jpg

Lời kết

Có nhiều việc trong cuộc sống có vẻ rất phức tạp, nhưng khi chúng ta nhìn nhận một cách nghiêm túc hóa ra lại đơn giản vô cùng. Có rất nhiều khi bản thân sự việc không quá phức tạp, chỉ là do bạn suy nghĩ quá nhiều mà thôi. Hy vọng với những kinh nghiệm quý báu đúc kết từ Không Sợ Chậm, Chỉ Sợ Dừng, bạn sẽ một cái nhìn mới hơn. Sống một cách có kỷ luật hơn để tận hưởng những gì tốt đẹp ngoài kia mà Thượng đế đã ban tặng nhé.

Review chi tiết bởi: Tuyết Sơn - Bookademy

Hình ảnh: Tuyết Sơn - Bookademy

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Ảnh bìa sách Không Sợ Chậm Chỉ Sợ Dừng

KHÔNG SỢ CHẬM CHỈ SỢ DỪNG

Tác giả : Vãn Tình

Định dạng : Sách nói

Lượt xem/nghe : 6859

Lượt xem Review : 368

Thời lượng: 09:52:10

Tạo lúc : Tue, 01/11/2022 08:55

Cập nhật lúc : 12:54pm 11/07/2023


THỂ LOẠI

Mua Sách Giấy Close
qrcode

Độc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Không Sợ Chậm Chỉ Sợ Dừng PDF của tác giả Vãn Tình nếu chưa có điều kiện.

Tất cả sách điện tử, ebook trên website thuviensach.vn đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.

Cám ơn sự hỗ trợ, động viên để duy trì và phát triển website. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN:
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu (*)
Bình Luận: (*)
Họ và tên: (*)
Email: (*)

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTinh Hoa Giáo Dục - Di Sản Cho Muôn Đời Sau


Radio Truyện Ngắn (Top views)
Theo Ngày
Theo Tuần
Theo Tháng