Voucher Live Close

REVIEW SÁCH SỬ THI ILIAD - HOMER

Tác giả: Homer

Từ lâu, hai tác phẩm IliadOdyssey của Homer đã được công nhận là một trong những thiên sử thi cốt lõi của nền văn minh Hy Lạp, là cái nôi của nền văn minh phương Tây. Vậy, sử thi Iliad kể câu chuyện gì? Và yếu tố nào đã làm cho tác phẩm trở nên kì vĩ và trường tồn mãi với thời gian như thế? Chỉ một câu chuyện thần thoại về một cuộc chiến tranh thông thường liệu có được tầm ảnh hưởng như Iliad?

Đầu tiên, để hiểu rõ hơn về Iliad, chúng ta cần quay ngược thời gian một chút về từ tận những ngày đầu lúc thiên sử thi này mới được lưu truyền rộng rãi.

Theo ghi chép, nhà thơ mù Homer là người đã biên soạn hoặc sáng tác cả hai thiên sử thi IliadOdyssey. Tuy nhiên, vì thời điểm ra đời của cả hai đã quá lâu (khoảng thế kỉ thứ tám TCN), tác giả thật sự của cặp sử thi vẫn còn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Cho đến thời điểm hiện tại, thông tin về danh tính và gốc gác của Homer vẫn còn rất mơ hồ.

Sử thi Iliad bắt rễ từ phong tục hát truyền miệng của người Hy Lạp cổ đại, nghĩa là thông thường, người ta sẽ không đọc thiên sử thi trên các phương tiện ghi chép, mà họ sẽ được nghe các thi sĩ du ca biểu diễn lại toàn bộ sử thi bằng cách ngâm thơ theo nhạc. Đây là một trong những tác phẩm lâu đời nhất của nền văn học Hy Lạp cổ đại nói riêng và nền văn học phương Tây nói chung mà cho đến nay vẫn giữ được một vị trí vô cùng quan trọng. Cho đến tận bây giờ, Iliad vẫn được độc giả đương đại săn đón và tìm đọc trên khắp thế giới.

Tóm tắt tác phẩm

Tìm mua: Sử Thi Iliad - Homer

Tên của thiên sử thi - Iliad - bắt nguồn từ một cái tên khác của thành phố Troia (hay còn biết đến là Troy): Ilion. Sử thi mang tên Iliad còn có nghĩa là “Bài thơ thành Troy.”

Iliad thuộc thể thơ sử thi, gồm 15.693 dòng thơ được các nhà phê bình Alexandria chia làm 24 khúc. Mặc dù tên của thiên sử thi mang ý nghĩa là bài thơ thành Troy, cả tác phẩm lại chủ yếu xoay quanh đoàn quân đối đầu với Troy - quân Hy Lạp, hay còn gọi là người Achaian. Khác với nhiều lầm tưởng thông thường rằng Iliad là tác phẩm kể về toàn bộ mười năm trong cuộc chiến tranh thành Troy, tất cả diễn biến trong thiên sử thi chỉ kéo dài trong khoảng năm mươi ngày vào năm cuối cùng của mười năm chiến tranh. Tuy nhiên, thông qua những chi tiết ám chỉ về quá khứ, sử thi vẫn xây dựng được tổng thể mười năm của cuộc chiến bao gồm nguyên nhân của chiến tranh, lúc trận chiến mới bắt đầu, diễn biến của cuộc chiến, và thậm chí là các điềm báo tương lai về sự sụp đổ của thành Troy và kết cục của người anh hùng Achilleus.

Chủ đề trung tâm của sử thi là cơn thịnh nộ của Achilleus, đầu tiên là với nguyên soái Agamemnon - chỉ huy của đoàn quân Achaian - khi chàng từ chối ra trận do bị nguyên soái xúc phạm, và tiếp theo là hướng tới Hektor - tướng quân anh dũng thành Troy - khi chàng hóa điên đòi trả thù cho người bạn thân Patroklos đã bị Hektor giết hại trong lúc ra trận.

Khúc thứ nhất của tác phẩm đã vẽ lên khung cảnh bắt đầu cho cả thiên sử thi.

Bắt đầu thiên sử thi là lời hát được cất lên bởi người thi sĩ du ca:

“Hỡi Thi Thần, xin cất lời ca phẫn nộ dâng lên trong lòng Achilleus, phẫn nộ tai hại đem lại muôn vàn đau khổ cho binh sĩ Achaian, đưa biết bao linh hồn anh hùng, quả cảm xuống âm ty, biến thân xác thành mồi cho chó và chim, như vậy mới thỏa mãn ý định Chúa tể.”

Đây là cách mở đầu của các thể thơ sử thi, khi người thi sĩ cầu nguyện với các Thi thần và xin các thần ban cho mình đôi mắt cùng trí nhớ của thần để kể lại toàn bộ câu chuyện cho thính giả. Mở đầu tác phẩm cũng là cơn thịnh nộ của Achilleus, cùng lời ám chỉ số phận của binh sĩ Achaian.

Mọi chuyện bắt đầu với cảnh Chryses - một tu sĩ do thần Apollo che chở - đến doanh trại quân Achaian để chuộc con gái của mình là nàng Chryseis đã bị bắt. Thế nhưng, không những không đồng ý tiền chuộc, Agamemnon đã xúc phạm và đe dọa ông. Bị khinh rẻ và đối xử khiếm nhã như thế, tu sĩ đã cầu nguyện với thần Apollo để thần gieo rắc tai ương lên quân Achaian, và người đã đồng ý. Trong vòng chín ngày sau, bệnh dịch như con rắn độc đã trườn qua khắp doanh trại Achaian, binh sĩ chết như ngả rạ và đều đã kiệt sức. Trước tình hình đó, Achilleus đã cho triệu tập một cuộc họp để giải quyết vấn đề bệnh dịch. Trong cuộc họp, mọi người phát hiện ra nguyên nhân của trận dịch là do thần Apollo trừng phạt họ vì đã xúc phạm tu sĩ của thần. Dưới sức ép, Agamemnon đành phải đồng ý trao trả Chryseis, nhưng thay vào đó, ông sẽ lấy đi nàng Briseis, phần thưởng của Achilleus. Trước sự chèn ép này, Achilleus nổi giận và tuyên bố sẽ không tham chiến nữa. Chàng nói mẹ mình là nữ thần Thetis xin thần Zeus cho quân Achaian bị thất thế và thần đồng ý.

Sang khúc thứ hai, sau khi đã có phần dẫn nhập và giúp cho độc giả hiểu được ngọn ngành qua khúc thứ nhất, đây là khúc dành cho phần giới thiệu các binh sĩ của cả hai bên tham chiến: quân Achaian và quân Troy.

Agamemnon được thần Zeus báo mộng giả rằng quân Achaian sẽ chiến thắng oanh liệt, và thúc giục chỉ huy mau kéo quân ra trận. Nhận được mộng này, Agamemnon mừng rỡ không thôi, nhưng nguyên soái lại muốn thử lòng quân binh, ông thông báo cho phép họ căng buồm trở về nhà. Ngờ đâu, trái ngược với dự đoán của ông rằng các đoàn binh sẽ nhất quyết ở lại, chín năm chiến tranh ròng rã đã bào mòn họ, và ai cũng hào hứng khi hay tin được trở về. Kế sách thất bại, quân Achaian lại lần nữa rơi vào hỗn loạn. Lúc này, Odysseus nhờ được nữ thần Athena nhắc nhở nên đã đứng ra ổn định tình hình. Thersites với dung mạo xấu xí và xuất thân không phải vua chúa lên tiếng bất mãn với Agamemnon, tuy đã nói đúng tiếng lòng của nhiều binh lính, nhưng do thân phận của anh ta, chẳng ai ủng hộ anh ta và còn hài lòng khi thấy Thersites bị trừng phạt. Sau bữa ăn, quân Achaian dàn trận để tấn công thành Troy, tất cả các đoàn thuyền của từng vị chỉ huy được nêu đầy đủ tên, số lượng thuyền, và quê quán. Tương tự như thế, các vị tướng quân thành Troy và đồng minh cũng được lần lượt nêu tên.

Sang khúc thứ ba, đây là lúc hai bên thực sự giao chiến, và cũng là lần đầu tiên quân Achaian ra trận mà không có Achilleus.

Trước khi bắt đầu trận chiến, quân Troy đã bàn bạc với nhau về cách giải quyết ổn thỏa nhất để tránh thêm đổ máu, và do Paris - em trai của Hektor chủ soái quân Troy, con trai của quốc vương Priam - không chịu trao trả Helen cho quân Achaian, chiến tranh được đề nghị kết thúc bằng một cuộc đấu tay đôi giữa Paris và Menelaus. Tại đây, đã có chi tiết ám chỉ về nguyên nhân của cuộc chiến dài mười năm này: Paris đã lợi dụng lòng hiếu khách của Menelaus - em trai nguyên soái Agamemnon - để bắt vợ ông là Helen nổi danh xinh đẹp nhất Achaian, và Menelaus cùng Agamemnon đã kêu gọi tuyển quân đánh chiếm thành Troy vì lí do đó. Quay về lời đề nghị kết thúc chiến tranh, cả hai phe đều đồng ý với trận đấu tay đôi, ai chiến thắng sẽ có được Helen và toàn bộ của cải. Hai bên tuyên thệ đình chiến và tuân theo kết quả của trận đấu. Paris, vốn chỉ chuyên dùng cung tên, không phải đối thủ của Menelaus trong một trận cận chiến, và đã bị đánh bại. Tuy nhiên, do được nữ thần Aphrodite che chở, Paris không chết dưới tay Menelaus mà được nữ thần mang về phòng ngủ với Helen. Helen nhìn thấy người chồng mới ở trong phòng ngủ thay vì dưới chiến trận liền buông lời mạt sát.

“Như vậy là chàng vừa từ chiến trường trở về. Thiếp cứ mong chàng gục ngã ngoài đó dưới cánh tay cường tráng của thanh niên trước kia là phu quân thiếp! Trước kia chàng thường khoe sức lực dồi dào, cánh tay phi thường, cây thương vững chắc, chàng sẽ thắng Menelaos, thần linh chiến tranh yêu thương. Vậy bây giờ thử lần nữa mặt đối mặt với chiến binh xem sao! Nhưng thôi, thiếp khuyên chàng đừng lao đầu vào trận mạc hay giao chiến với Menelaos tóc vàng, nếu chưa suy nghĩ, kẻo mất mạng vì mũi thương đương sự!”

Ở đây cũng có chi tiết cho thấy rằng khác với nhiều tranh cãi xoay quanh việc nàng tình nguyện đi theo Paris, Helen hoàn toàn chán ghét việc phải ở Troy làm vợ Paris và chịu bao điều tiếng. Nàng còn cãi lại nữ thần Aphrodite khi thần muốn nàng vào phòng ngủ an ủi Paris, nhưng bị nữ thần đe dọa lại.

Sang khúc thứ tư, kéo dài đến hết khúc thứ bảy, máu đã đổ và xác người đã ngã xuống trên chiến trường.

Pandoras thành Troy đã phá vỡ lời thề đình chiến với một mũi tên bắn lén Menelaus. Menelaus bị thương, và cả hai bên lao vào chiến đấu. Nổi bật nhất là Diomedes, được nữ thần Athena ban cho con mắt nhìn rõ được người và thần, lại được nữ thần dẫn dắt mũi thương, chàng đã đánh bại hàng loạt quân Troy, từ hàng thế nhân như Pandoras, đến Aineias là con trai thần Aphrodite, đến cả hàng thần linh là nữ thần sắc đẹp Aphrodite và nam thần chiến tranh Ares. Cả hai vị thần đành phải rút rui và chạy về núi Olympos than khóc với thần Zeus. Đích thân thần Apollo phải ra mặt và đe dọa Diomedes để chàng dừng tấn công Aineias.

“Diomedes hiếu chiến xổ tới tấn công Aineias, mặc dù biết Apollo thân chinh giơ tay bao che. Song chẳng nể vì thần linh quyền uy, thủ lĩnh cố giết bằng được, rồi lột giáp y lộng lẫy. Ba lần hăng máu thủ lĩnh chồm tới, ba lần Apollo đẩy khiên sáng ngời trở lại. Lần thứ tư xông đến như quỷ dữ, thần linh xạ thủ từ xa hét to, giọng rùng rợn: “Coi chừng công tử Tydeus lùi lại! Đừng tưởng mình ngang hàng thần linh, vì về dòng giống không bao giờ có chuyện tương tự giữa hàng bất tử và bầy thế nhân lê bước trên trần gian.””

Dưới sự tàn sát của Diomedes, quân Troy lúc bấy giờ đã có phần sợ hãi. Hektor đã phải tập hợp quân binh lại để truyền thêm khí thế cho quân sĩ. Hektor về thành, kêu gọi những người phụ nữ ở lại trong thành cầu nguyện và hiến tế cho thần linh, rồi từ biệt vợ là Andromakhe và con trai bé bỏng còn nằm trong vòng tay mẹ. Đây cũng là một chi tiết cảm động trong sử thi khi Hektor, trong một giây phút ngắn ngủi, được trút bỏ giáp áo đẫm máu chiến trường để đoàn tụ và cũng là từ biệt gia đình. Sự lụi tàn của thành Troy được Hektor ngầm ám chỉ.

“Do vậy trong trí, trong lòng ta biết thể nào ngày đó cũng tới, thành Troa thiêng liêng sẽ tàn lụi, cả Priam lẫn thần dân trang bị thương giáo gỗ tần bì sẽ tiêu ma. Thầm nghĩ trong tương lai dân Troa sẽ khốn khổ, hoàng hậu Hekabe, quân vương Priam, anh em đông đảo, gan dạ của ta gục ngã trên bụi đường dưới tay quân thù, ta đau lòng, song không đau lòng bằng nghĩ tới khanh, khi tên lính Achaian áo lát đồng lôi đi làm nô lệ, lệ tuôn lã chã chấm dứt ngày tháng tự do.”

Lại một trận đấu tay đôi nữa được thỏa thuận, lần này đích thân Hektor ra mặt tham chiến, Aias bên phe Achaian cũng được chọn giao tranh thông qua việc bốc thăm. Hai người cân tài cân sức, chiến đấu đến tận khi màn đêm buông xuống. Cả hai phe đồng ý tạm ngừng chiến một ngày để hỏa thiêu người chết, trong một ngày này quân Achaian cũng đã xây được một bức tường bảo vệ doanh trại.

Vậy là kết thúc ngày thứ nhất của trận chiến gian truân mà không có mặt Achilleus. Khúc thứ tám đến khúc thứ mười kể về ngày thứ hai của trận chiến này.

Sang ngày thứ hai, quân Achaian không còn chiếm thế thượng phong khi thần Zeus, vì để giữ lời hứa với Thetis, đã cấm các vị thần khác nhúng tay giúp đỡ quân Achaian. Quân thành Troy tiến công, đẩy lùi phe địch đến tận bức tường họ vừa dựng lên và cắm trại ngay đó, đợi đến sáng ngày hôm sau sẽ phá tường tràn vào đốt phá hết các dãy thuyền. Lúc này, Agamemnon đành phải nhận sai và sai nhóm sứ giả gồm Aias, Odysseus, Phoinix - cận thần của Achilleus đã chăm sóc chàng từ khi còn nhỏ, cùng hai người nữa sang trại của Achilleus để trả lại Briseis cùng nhiều tặng phẩm khác hòng khiến chàng thay đổi ý định và ra tham chiến. Tại đây, nhằm khuyên nhủ Achilleus, Phoinix cũng đã kể lại câu chuyện của chiến binh Meleagros. Meleagros đã từ chối ra trận do bị phẫn nộ xâm nhập cõi lòng, người từ chối tất cả mọi sự cầu xin của trưởng thượng, mã phu, em gái, mẹ đẻ, đồng đội, bạn bè; cho đến khi hiền thê là Kleopatra khóc lóc kể lại cảnh tượng kinh tởm của chiến tranh, Meleagros mới đồng ý tham chiến, nhưng lúc đó đã quá trễ: dù đánh bại được quân thù, nhưng người dân căm thù và oán trách Meleagros vì đã không ra tay sớm hơn, thanh danh của người bị bôi nhọ và phỉ nhổ. Ở đây, Phoinix đã có ý nhắc khéo Patroklos - người thân thương nhất và gần gũi nhất với tướng quân Achilleus, chiếu theo thang cấp bậc tình cảm trong câu chuyện của Meleagros. Trùng hợp thay, tên của nàng Kleopatra và tên của Patroklos cũng đều được tạo nên bởi những từ giống nhau (‘kleos’ - vinh quanh và ‘patra’ - người cha) và có cùng một ý nghĩa (vinh quang của người cha). Có lẽ ông hy vọng rằng, với sự khuyên nhủ của người kề cạnh, Achilleus sẽ thay đổi ý định. Thế nhưng trái lại, chàng vẫn kiên quyết từ chối và đòi giong buồm quay về. Cũng ngay đêm đó, Odysseus cùng Diomedes đã đột nhập doanh trại của quân Troy, cướp bóc và tàn sát hàng loạt quân binh trong giấc ngủ mê man.

Achilleus từ chối ra trận, và thế là quân Achaian lại phải trải qua thêm một ngày chiến đấu vô vọng mà không có sự góp mặt của chàng. Ngày thứ ba ấy trải dài từ khúc thứ mười một đến khúc thứ mười tám.

Trận chiến diễn ra khốc liệt, hàng loạt chỉ huy quan trong của quân Achaian bị thương phải lui về doanh trại. Lúc này, Achilleus đã bảo người bạn thân cận Patroklos ra ngoài xem xét tình hình. Ngoài doanh trại, Patroklos chứng kiến rất nhiều đồng đội của mình bị thương nặng và bỏ mạng. Nestor - một bô lão đã trải qua rất nhiều chiến trường khốc liệt - trách Patroklos vì sự vắng mặt của Achilleus. Patroklos, cảm động vì lời nói của Nestor và đau lòng trước cảnh hoang tàn trước mắt, đã chạy về doanh trại khóc thương cầu xin Achilleus cho anh ra trận bảo vệ đoàn tàu. Achilleus chấp nhận, cho Patroklos mặc lên mũ giáp của mình để đẩy lùi quân Troy. Patroklos được thả ra trận như một con quỷ dữ, anh tàn sát hằng hà sa số quân Troy, trong đó có cả Sarpedon - con trai thần Zeus. Phớt lờ lời Achilleus đã dặn trước, anh kéo quân lên tận cổng thành Troy và có ý định phá cổng thành. Tuy nhiên, anh bị thần Apollo cản lại, thần làm phép khiến đầu óc Patroklos choáng váng và tháo mất mũ, khiên, lẫn thương trên tay anh, tiếp đó anh bị Euphorbos thành Troy đâm lén, rồi lại bị Hektor ra đòn kết liễu. Vậy là mất ba người, trong đó có cả thần Apollo, để cản Patroklos lại. Trước khi chết, Patroklos vẫn không quên chỉ ra số phận sắp đến của Hektor:

“Dẫu thế lắng nghe ta nói thêm điều nữa, ngẫm cho kỹ, giữ kín trong lòng. Mi cũng sẽ không sống lâu. Tử thần và định mệnh khe khắt đã tới gần kề, đứng ngay bên cạnh, mi sẽ chết dưới tay Achilleus, đích tôn Aiakos.”

Patroklos bị Hektor lột giáp, nhưng xác của anh được các đồng đội bảo vệ an toàn và mang về doanh trại. Tại doanh trại, tất cả mọi người đều khóc thương cho Patroklos. Achilleus gục ngã khi nghe tin người bạn mến thương đã từ giã cõi đời.

“Lời vừa dứt, đau khổ như mây đen bao trùm, Achilleus buồn vô cùng. Hai tay nắm bếp lò đầy tro tướng quân giơ cao đổ lên đầu, khuôn mặt tuấn tú lem luốc, tu-ních ngào ngạt phủ kín tro đen. Tướng quân lăn kềnh, toàn thân quằn quại, tro rơi dày đặc, đưa tay giật tóc bứt đầu. Tỳ nữ tướng quân và Patroklos bắt giữ trong chiến tranh la hét tỏ vẻ buồn rầu, chạy qua cửa ùa tới vây quanh. Tất cả giơ tay đấm ngực, bủn rủn chân tay ngã lăn xuống đất. Phía kia Antilochos ứa lệ, thổn thức đưa tay nắm tay Achilleus đang vừa nức nở vừa nghẹn ngào khôn xiết, lòng tràn trề hãnh diện, vì sợ Achilleus sẽ dùng kiếm tự vẫn.”

Chàng không ăn, không uống, chỉ chăm chăm trả thù cho người đồng đội thân mến. Lúc này, mẹ chàng là nữ thần Thetis nhờ thần Hephaistos rèn một bộ khiên giáp mới cho Achilleus.

Achilleus trở lại chiến trường với lời thề sẽ giết chết Hektor để đền mạng cho người bạn quá cố của mình. Khúc thứ mười chín đến khúc hai mươi hai đã bao quát lại toàn bộ cơn thịnh nộ như hóa điên dại của Achilleus.

Achilleus không còn màng gì khác ngoài chém giết. Chàng làm cỏ quân Troy, nhuộm đỏ cả dòng sông Skamandros. Bất bình vì việc này, thần sông Skamandros đã ra tay ngăn chặn Achilleus, nhưng bị đánh bại và đành phải rút lui. Ở trên trần thế, Achilleus như con mãnh thú tàn sát quân Troy, trên hàng bất tử, các thần linh cũng đang đánh nhau để quyết định vận mệnh thành Troy. Quân Troy bị đánh bật về lại thành và buộc phải rút lui, trong lúc đó, thần Apollo giả trang thành một binh lính thành Troy để dụ Achilleus và câu thêm thời gian cho quân Troy tháo chạy. Tuy vậy Hektor, vì quá ngạo mạn, và bị thần Athena đánh lừa, đã không rút lui vào trong thành. Hai người giao tranh và Achilleus kết liễu Hektor bằng một mũi thương đâm xuyên cổ họng. Achilleus biết trước số mệnh của mình sẽ kết thúc không lâu sau Hektor, chàng buộc dây vào xác Hektor và kéo quanh thành để hạ nhục đối thủ.

Sang đến khúc thứ hai mươi ba, tang lễ của Patroklos cuối cùng cũng đã được tổ chức.

Hồn ma của Patroklos đến báo mộng với Achilleus, hối thúc chàng mau làm lễ tang và bày tỏ nguyện vọng muốn tro của cả hai được chôn cất cùng nhau.

“Đừng để xương ta nằm xa xương mi, Achilleus nhé, nhưng để xương ta và xương mi nằm bên nhau, bởi chúng mình lớn lên trong cùng ngôi nhà, nhà mi, sau khi Menoitios đem ta từ Opous về đó, lúc ta còn nhỏ, do chẳng may phạm tội sát nhân ghê tởm, hôm vô tình giết chết công tử Amphidamas, còn thơ dại, ta không định tâm làm, cãi lộn vì trò chơi tung hứng đốt xương. Sau đó mã phu Peleus đem ta về nhà, âu yếm trông nom, thương yêu nuôi dạy, huấn luyện ta thành phụ tá cho mi. Bởi thế hãy dùng một bình đựng xương hai đứa, bình bằng vàng hai quai thân mẫu khả ái của mi cho mi.”

Nghe theo lời đồng đội, Achilleus tổ chức tang lễ hoành tráng cùng các hội thao để tưởng nhớ Patroklos.

Kết thúc thiên sử thi là khúc thứ hai mươi bốn, khi tang lễ của Patroklos đã kết thúc, và giờ là đến lượt tang lễ của Hektor.

Phụ thân của Hektor, quốc vương Priam đã băng qua bình nguyên tới doanh trại của quân Achaian dưới sự dẫn dắt của thần Hermes. Ông ôm đầu gối và hôn tay của Achilleus - người đã giết con trai mình - để cầu xin chàng cho ông được chuộc xác con trai. Achilleus và Priam cùng than khóc về những mất mát của cả hai trong cuộc chiến. Achilleus đồng ý trao trả xác Hektor và tạm đình chiến để thành Troy tổ chức tang lễ. Lễ tang của Hektor được diễn ra yên ổn.

Đây cũng là sự kiện khép lại thiên sử thi Iliad.

Đôi lời về tác phẩm

Iliad, ta thấy được trận chiến đầy khói lửa kéo dài những chín năm, thấy được định mệnh bi kịch của những anh hùng xuất chúng, những con người sẵn sàng đánh đổi mạng sống để được lưu danh sử sách, những vị thần tuy hùng dũng và cao quý nhưng cũng có đủ tính xấu của người trần, những người chồng, người cha phải rời xa gia đình vì chiến tranh, và cả những người mẹ, người vợ mất đi chỗ dựa duy nhất để rồi phải hứng trọn lấy số phận đắng cay.

Iliad là bản trường ca về chiến tranh, để tôn vinh những anh hùng chiến tranh, nhưng bản thân tác phẩm lại không hề ủng hộ chiến tranh.

Đối với người Hy Lạp, Achilleus là hình mẫu lý tưởng cho mọi người đàn ông, chàng tài hoa, gan góc, và mạnh mẽ, chàng là vị chiến binh bất bại với đôi chân nhanh nhẹn cùng cơ thể vững chắc. Trớ trêu thay, chính sự xuất chúng đó đã túm chặt lấy chàng và kéo chàng xuống đáy sâu của sự thống khổ, vì bi kịch chỉ dành cho các anh hùng xuất chúng, và các anh hùng thì chẳng bao giờ có thể chạy trốn được định mệnh.

Aristotle quan niệm, nhân vật trong bi kịch Hy Lạp phải là “những người tốt nhất, so với những người trong thực tế”, nghĩa là chỉ khi những phẩm chất của họ vượt xa hơn hẳn người thường thì họ mới có thể là nhân vật chính của bi kịch. Đối với Achilleus, cuộc đời chàng chính xác là một tấn bi kịch, khi hình tượng chàng quá đỗi mĩ lệ, và cuộc đời chàng lại quá đỗi trớ trêu. Chàng là người giỏi nhất, nhưng đồng hành cùng đó là số phận bi thảm đã định sẵn từ khi chàng sinh ra. Đọc Iliad, ta không thể ngăn mình đổ dồn hết mọi chú ý vào Achilleus, bởi ngọn nến cháy sáng nhất là ngọn nến nhanh tàn nhất, mà Achilleus lại chính là ánh lửa bùng cháy dữ dội và rực rỡ nhất trong cả thiên anh hùng ca.

Bên cạnh bi kịch của Achilleus là những Patroklos, Odyssey, Aias, Diomedes, Agamemnon, và tất cả các chiến sĩ Achaian khác. Họ là những con người đã để lại mọi thứ sau lưng, gia đình, nhà cửa, vương quốc, hay thâm chí là tính mạng, tất cả để có thể có được “kleos” - khúc ca vinh quang của chính bản thân. Họ chính là tấm gương ngời sáng của sự kiên cường, gan dạ, và quyết tâm. Khí thế hào hùng và ý chí sắt đá của họ là một bài học mà ai cũng nên noi theo.

Đối ngược với quân Achaian, những người chiến đấu vì vinh quang, thì mục đích chiến đấu của người dân thành Troy là để bảo vệ. Họ chiến đấu để bảo vệ thành, bảo vệ những người xung quanh, bảo vệ cha, mẹ, anh, chị, em, vợ, và con. Sự ngoan cường của họ thể hiện rõ nhất ở Hektor, hoàng tử và cũng là người lãnh đạo các chiến binh thành Troy. Vị chiến binh bất đắc dĩ đã chạm đến trái tim nhiều người khi anh bộc bạch về ngày lụi tàn không thể tránh khỏi của thành Troy, về tương lai mờ mịt giăng đầy đau thương của vợ và con khi anh nhắm mắt xuôi tay, thế nhưng anh vẫn không từ bỏ, vẫn không chịu khuất phục mà đứng lên chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng. Bởi anh có thứ cần bảo vệ, có người vẫn cần anh, vẫn đang dựa vào anh, nên dù biết ngày ngã xuống chẳng còn xa, anh cũng không thể nào đầu hàng số phận được. Hektor là hình mẫu điển hình của một người chỉ huy can trường, gan dạ, và yêu thương vợ con hết mực.

Trong trận chiến của gươm giáo và pháo binh của những người đàn ông, vẫn có những người phụ nữ bừng sáng theo cách của riêng họ. Ta có Helen, một nàng dâu ngoan hiền, mẫu mực, một người vợ bị bắt cóc vẫn ngày đêm đau khổ, căm ghét kẻ đã khiến mình mang tiếng thất tiết, một người con gái dám đứng lên chống lại nữ thần Aphrodite, và trên tất cả, một con người xinh đẹp, tài hoa, mưu trí. Helen cũng là một người có trí tuệ và đức hạnh xuất chúng, và nàng cũng không thể tránh khỏi định mệnh cay nghiệt. Andromakhe, Briseis, hay tất cả những người phụ nữ khác cũng không thoát khỏi số phận trong chiến tranh. Họ mất tất cả, nhà cửa, gia đình, người thân, thậm chí là cả tự do và cơ thể của chính mình.

Iliad được xem là trụ cột của văn minh phương Tây, và đúng thật là như vậy. Thiên sử thi nói về nhân loại và những ý niệm của họ về chiến tranh, về vinh quang, về thần linh và con người. Đọc Iliad, ta hiểu thêm về chiến tranh và những tổn thương mà nó gây ra, ta học được cách yêu thương và trân trọng con người, và quan trọng nhất, ta trau dồi trí tuệ và đức hạnh bằng Iliad.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)


Tìm Hiểu Thần Số Học

Chúng tôi đang cần tìm đối tác, nhà đầu tư để chung tay xây dựng và phát triển Thư Viện Sách. Quý bạn hữu nếu quan tâm vui lòng liên hệ với ban quản trị qua email: www.thuviensach.vn@gmail.com
Xin chân thành cám ơn!

Ảnh bìa sách Sử Thi Iliad - Homer

SỬ THI ILIAD - HOMER

Tác giả : Homer

Định dạng : Sách nói / Sách PDF

Số trang : 510

Lượt xem/nghe : 4555

Lượt đọc : 4100

Lượt tải : 581

Lượt xem Review : 73

Kích thước : 2.6 MB

Tạo lúc : Wed, 02/11/2022 09:28

Cập nhật lúc : 16:29pm 30/05/2023


THỂ LOẠI

qrcode

Độc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Sử Thi Iliad - Homer PDF của tác giả Homer nếu chưa có điều kiện.

Tất cả sách điện tử, ebook trên website thuviensach.vn đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.

Cám ơn sự hỗ trợ, động viên để duy trì và phát triển website. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN:
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu (*)
Bình Luận: (*)
Họ và tên: (*)
Email: (*)

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTinh Hoa Giáo Dục - Di Sản Cho Muôn Đời Sau


Văn Học - Nghệ Thuật (Top views)
Theo Ngày
Theo Tuần
Theo Tháng