REVIEW SÁCH NHỮNG NGÀY THƠ ẤU
Tác giả: Nguyên Hồng
Những Ngày Thơ Ấu là câu chuyện chắp vá về tuổi thơ đầy đau thương của chính tác giả. Hồng - một cậu bé sinh ra trong gia đình giàu có nhưng lại không mấy hạnh phúc. Ngay từ khi còn nhỏ, cậu đã thấu hiểu được sự thờ ơ, vô trách nhiệm của người cha nghiện ngập, và những nỗi đau đớn, tủi nhục của người mẹ khi luôn bị cả gia tộc giày xéo, đầy đọa đến mức phải bỏ cả con cái đi tha hương cầu thực. Với ngôn từ giản dị và trong sáng, Những Ngày Thơ Ấu không chỉ đem đến cho độc giả câu chuyện bình dị, gần gũi với đời thường mà nó còn lột tả được một bối cảnh xã hội phong kiến, cổ hủ của Việt Nam thời xưa.
Nhà văn Nguyên Hồng tên thật là Nguyễn Nguyên Hồng, ông sinh ngày 5 tháng 11 năm 1918 trong một gia đình công giáo ở thành phố Nam Định. Cha mất sớm, nhà lại nghèo, Nguyên Hồng phải thôi học. Năm 1935 ông cùng mẹ ra Hải Phòng, lần hồi sinh sống trong các xóm lao động như xóm Cấm, xóm Chùa Đông Khê. Chính tuổi thơ cơ cực ấy đã được ông truyền tải một cách nguyên vẹn trong cuốn hồi kí của mình. Những Ngày Thơ Ấu không phải kể về câu chuyện tuổi thơ êm đềm, hạnh phúc mà đó là những câu chuyện đắng cay qua góc nhìn của Hồng - một đứa bé ngây thơ, non nớt phải chịu nhiều ghẻ lạnh bởi chính những người thân trong gia đình.
Sự lụi tàn của một gia đình giàu có
Lúc mới chào đời, cậu bé Hồng đã được bao nhiêu người nhà những tội nhân có máu mặt đến mừng, biết bao nhiêu kẻ nhờ vả ông bà của cậu lại thăm nom, cũng là bởi vì thầy của Hồng làm cai ngục. Thế nhưng trái ngược với sự cao sang, quyền quý ấy là những nỗi bất hạnh kéo dài từ ngày này qua ngày khác.
Thầy mẹ tôi lấy nhau không phải vì thương yêu nhau, trái ngược cay đắng đó tôi đã hiểu biết rõ rệt và thấm thía ngay từ ngày tôi lên bảy lên tám, ở vào cái tuổi mà tính tò mò rất dễ bị kích thích và trí ngây thơ trong suốt đã ghi giữ một hình ảnh gì, một nỗi niềm nào thì ghi giữ mãi mãi.
(…)
Lúc bấy giờ, trong đầu óc mẹ tôi quằn quại những hình ảnh gì, những ý nghĩ gì, thầy tôi đoán biết sao được. Vẻ mặt xinh tươi kia, giọng cười nói nhẹ nhàng kia, sự thùy mị kính cẩn kia, sao có thể là của một người đàn bà mà tâm tư hằng giá buốt vì những phiền muộn, những đau đớn cay chua nhất, tối tăm nhất? Hay thầy tôi cũng như mẹ tôi cả hai đều thản nhiên và lặng lẽ để che giấu cả một lòng đau đớn?
Có lẽ chính sự đau khổ dồn nén bấy nhiêu lâu ấy đã biến thầy của Hồng thành một con người khác, ông xin nghỉ việc, bán hết tài sản trong nhà và bán cả thân xác, linh hồn của mình cho “nàng tiên nâu”.
Bà tôi nức lên rồi ôm mặt khóc:
- Anh làm khổ tôi vừa chứ! Anh ỷ mình vừa vừa chứ! Đương tự nhiên anh thôi việc nhà nước. Đương tự nhiên anh vác bàn đèn về nhà, hút ngày hút đêm… Rồi bỗng nhiên anh đem văn tự địa đồ đi cầm lấy hàng năm bảy trăm bạc, chịu lãi hàng mười phân để đi Sài Gòn, Sài chéo, cậy cục hàng trăm bạc để lấy sổ đi làm những tàu Tây, tàu Nhật, tưởng nên vương tướng gì hay đâu không việc hoàn không việc, nghiện ngập hoàn nghiện ngập.
Tiếng khóc càng to, và từ trong hai hốc mắt tối những giọt nước tràn ra lai láng trên gò má hóp răn reo, như một đập nước đương khô cạn bỗng đầy ứ đến vỡ lở.
Kể cả trong hoàn cảnh đớn đau ấy, mẹ của Hồng vẫn không dám kêu cả nửa lời mà chỉ biết nuốt nỗi đắng cay vào lòng.
Nhiều khi, ở trong màn giường ngoài nhà, lần xong một tràng hạt và đọc hàng trăm kinh rồi mà vẫn còn thấy tiếng vo vo kéo dài kéo dài, bà tôi đã khẽ ho và lên tiếng hỏi thầy tôi:
- Cậu thằng Hồng vẫn còn thức đấy ư?
- Không! Thưa mẹ con sắp xong rồi mà…
- “Sắp xong rồi mà!” - Bà tôi láy lại câu nói của thầy tôi đoạn thở dài. Sự giận dữ của bà tôi đã tới cực điểm nên bà tôi mới dám hỏi thầy tôi như thế, từ ngày thầy tôi luôn luôn ho ra máu, thầy mẹ tôi phải lo toan cáng đáng cả mọi sự ăn uống trong nhà. Và, hỏi câu ấy, bà tôi còn có một dụng ý nhắc nhở một cách khéo cho thầy tôi biết rằng:
- Vợ mày đã coi thường cả tao lắm đấy! Liệu mà tìm cách từ bỏ thuốc xái đi thôi.
Không! Mẹ tôi đâu dám thế! Đời sống của mẹ tôi bao giờ cũng chỉ là cái bóng ngăn của bức tường dày mãi mãi thần phục ở dưới chân để rồi sẽ tan xuống đất nếu ánh sáng soi tắt.Và, người đàn bà hiền lành dễ cảm động ấy, khi nào lòng lại bợn những vết kiêu căng, thù hằn? Mẹ tôi đã chẳng thẫn thờ nhìn trộm thầy tôi khi thầy tôi ngồi ôm ngực ho từng trận rồi rũ rượi nhổ, mẹ tôi cúi mặt xuống thở dài ư?Và trong đôi mắt lờ đờ của mẹ tôi, đã chẳng nhiều lần long lanh như khóc.
Thế nhưng, tất cả mọi thứ đều có sự giới hạn của nó. Không chịu đựng nổi cảnh gia đình tan hoang, sa sút, nợ nần thì chồng chất, mẹ của Hồng đành phải dắt theo đứa con gái đi tha hương cầu thực. Kể từ đây, cuộc đời của Hồng đã hoàn toàn thay đổi. Không có ai quan tâm, đã vậy còn phải sống với người bố nghiện ngập, cậu la cà khắp nơi để chơi đánh đáo với những đứa trẻ cầu bơ cầu bất, bán kẹo, bán báo hoặc làm nghề ăn cắp. Rồi dần dần cậu còn tham gia vào cả đám đáo của những người lớn làm phu gạo và thợ cạo; hay tìm đến những phố có nhiều nhà tây, hiệu to, nơi có những bọn trẻ con thừa tiền, hoặc là đến những chỗ gần chợ, bến tàu để chơi đánh đáo, nơi mà Hồng có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Đỉnh điểm là khi tiền của cậu suýt bị bố lấy mấy để mua thuốc phiện, đó thật sự là những trang hồi kí chua xót và bi kịch về tình cha con.
Tôi chực gỡ tay thầy tôi nhưng thấy hai lòng trắng mắt của thầy tôi như sắp bật ra ngoài và những hơi thở nóng hổi ở miệng thầy tôi cố mím lại mà không được cứ hắt vào mặt tôi, tôi đành phải đứng yên. Thầy tôi lần ra sau lưng tôi rồi thọc vào trong túi quần để tìm cọc tiền giấu đi.
Không còn một chút tình trong lòng tôi lúc bấy giờ.
Thầy tôi lại lần ra đằng trước, mặt tôi càng tím lại, cổ họng càng nghẹn ứ… Rồi tôi bật thét lên một tiếng khi bàn tay thầy tôi vừa chạm vào mẩu dây buộc cọc tiền bỏ lòng thòng trong quần. Phựt… mẩu dây bị giựt đứt. Một cảm giác thắt ruột tôi lại. Tôi nghiến răng nắm chặt lấy cạp quần và cọc tiền, giậm thình thịch xuống nền nhà.
(…)
Thầy tôi lại quát, nhưng lần này tiếng quát không còn không rõ và ngân dài như trước. Nó đánh phào một cái như tiếng nút chai bị giựt trượt mà người giựt đã phải dùng tận lực…
… Rồi thầy tôi chỉ ngồi rũ ra, không đánh tôi. Và cọc tiền của tôi vẫn còn y nguyên. Tôi mừng rỡ, ngạc nhiên và khó hiểu hết sức. Từ hôm đó thầy tôi hễ nói với tôi là một điều con, hai điều con, giọng ngọt ngào quyến luyến một cách lạ. Và thầy tôi luôn luôn nhìn tôi, đôi mắt vẫn mệt mỏi lờ đờ, thỉnh thoảng lại còn cười với tôi, nhưng nụ cười chóng tàn quá trên cặp môi nhợt nhạt.
Tình yêu thương vô bờ bến của cậu bé Hồng đối với mẹ
Thế rồi bố của Hồng mất, cậu phải sống với bà và cô, những người luôn luôn đay nghiến, dè bỉu và gieo rắc vào đầu cậu bé những thứ xấu xa nhất về mẹ của mình, một người phụ nữ đã phải chịu điều tiếng vì chưa đoạn tang chồng cũ mà đã chửa đẻ với người khác, nó còn ghê tởm hơn là những tội gian ác xấu xa nhất. Dẫu có thương mẹ biết mấy, nhưng cậu cũng chẳng thể làm được gì.
Một hôm, cô tôi gọi tôi đến bên, cười hỏi:
- Hồng! Mày có muốn vào Thanh Hóa chơi với mợ mày không?
Tưởng đến vẻ mặt rầu rầu và sự hiền từ của mẹ tôi, và nghĩ đến cảnh thiếu thốn một tình thương yêu ấp ủ từng phen làm rớt nước mắt, tôi toan trả lời có. Nhưng, nhận ra những ý nghĩa cay độc trong giọng nói và trên nét mặt khi cười rất kịch của cô tôi kia, tôi cúi đầu không đáp. Vì tôi biết rõ, nhắc đến mẹ tôi, cô tôi chỉ có ý gieo rắc vào đầu óc tôi những hoài nghi để tôi khinh miệt và ruồng rẫy mẹ tôi, một người đàn bà đã bị cái tội là góa chồng, nợ nần cùng túng quá, phải bỏ con cái đi tha hương cầu thực. Nhưng đời nào tình thương yêu và lòng kính mến mẹ tôi lại bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến… Mặc dầu non một năm ròng mẹ tôi không gửi cho tôi lấy một lá thư, nhắn người thăm tôi lấy một lời và gửi cho tôi lấy một đồng quà.
Những lúc đó, cậu bé chỉ ước những cổ tục đã đày đọa mẹ mình là “một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ”, cậu sẽ “quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kỳ nát vụn mới thôi”. Cậu bé đã phải chịu nhiều tổn thương ấy lúc nào cũng khao khát muốn gặp lại mẹ, sà vào lòng mẹ, để “áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trán xuống cằm, và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng”. Phải đi làm ăn xa, mẹ của Hồng đâu có biết những nỗi đau đớn, đắng cay khi mà cậu phải sống với bà và người cô cay nghiệt, không còn chút tình người. Mỗi lúc cô đơn và mệt mỏi, cậu chỉ còn biết trút bầu tâm sự vào mặt sau của bìa lịch, viết nhiều đến nỗi kín cả chữ.
Ngày 12-11-1931. - Cô C. chắt nước ở liễn cháo gà đã vữa vào cái bát con. Cô ấy gọi cho mình ăn. Ai thèm ăn? Dù có đói lả! Cô ấy quý đầy tớ hơn mình mà.
Ngày 14-11-1931. - Phải nhớ cái tát và câu rủa sả này cho đến chết: “Hồng ơi! Bố mày có chết đi, nhưng còn có mẹ mày nó dạy mày. Cầm bằng mẹ mày đánh đĩ theo giai, bỏ mày lêu lổng thì đã có chúng tao”.
(…)
Ngày 20-11-1931 - Giá ai cho tôi một xu nhỉ? Chỉ một xu thôi! Để tôi mua xôi hay bánh khúc. Giời rét thế này, đi học một mình, vừa đi vừa cắn ngon xiết bao? Không! Không có ai cho tôi cả. Vì người ta có phải là mẹ tôi đâu!
Con đường sa ngã
Khi những cơn dồn nén uất hận trong lòng đã lên đến cực điểm, cậu bé bắt đầu phản kháng lại cách đối đãi rẻ rúng chênh lệch của bà và cô đối với mình. Cậu khinh thường tất cả và tỏ vẻ khoan khoái thích thú khi đối phó được với sự cay nghiệt, hắt hủi của bà và cô. Rồi dần dần cậu còn bắt đầu giao du với những đứa trẻ hư hỏng của các lớp “cặn bã”.
Tôi đã chung đụng với tụi trẻ lêu lổng mất dạy ấy. Ăn cánh với các đứa gian ngoan, ngạo ngược, tôi bóc lột những đứa khờ khệch bằng các môn đáo, những đứa mà đời du đãng chưa dạy cho biết những mánh khóe ranh mãnh.
Cậu vẫn còn nhỏ quá, cậu cần phải có một gia đình để nương tựa, vỗ về, thế nhưng dường như tất cả mọi thứ đều quay lưng với cậu. Đã thế cậu còn bị đánh đập, hành hạ tàn nhẫn trong oan khuất bởi người thầy giáo kiêu ngạo và ích kỷ. Chính những điều đó đã nhóm lên trong lòng cậu những phẫn uất, căm hờn. Một hôm, Hồng đến trường sớm hơn thường lệ, nằm trên bãi cỏ, dưới một bụi râm bụt và một gốc bàng, hai tay khoanh sau gáy, mắt lim dim, cậu bỗng nhớ lại những ngày tháng vui vẻ trước đây khi đi học mà nước mắt lăn dài hai gò má.
Hai khóe mắt tôi bỗng mọng lệ. Tôi hơi nghiêng mặt đi để nó cùng rớt xuống gò má. Thứ nước mằn mặn ấy rỉ ngay vào miệng tôi. Sự chua chát của những ý nghĩ phiền muộn, phẫn uất càng nồng nàn. Và, mắt tôi mờ dần sau một màng ướt át dày đặc. Những cái thở nóng ran dồn dập đưa mãi lên đến cổ họng tôi.
Chi tiết Hồng vùng đứng dậy, mê man, chạy như biến ra đường ở cuối cuốn hồi kí khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh của chị Dậu choàng dậy, mở cửa chạy té ra sân trong tác phẩm Tắt Đèn của Ngô Tất Tố, con đường đó cũng tối đen, u ám và không lối thoát.
Lời kết
Cuốn hồi kí Những Ngày Thơ Ấu để lại cho người đọc một nỗi xót xa, thương cảm về số phận của cậu bé Hồng, hay chính là tác giả Nguyên Hồng. Trái đắng của cuộc đời-đó là nỗi niềm sâu sắc nhất mà ông đã phải nếm trải khi còn thơ bé. Từ một đứa trẻ mồ côi, phải chịu nhiều nỗi bất hạnh, Nguyên Hồng đã trở thành một nhà văn lớn với một tinh thần, ý chí kiên cường. Có lẽ chính những ký ức tuổi thơ đầy đau thương ấy đã hình thành trongông một lòng thương người, để những tác phẩm mà ông viết ra đều mang tình thương yêu đến với đồng loại.
NHỮNG NGÀY THƠ ẤU
Tác giả : Nguyên Hồng
Định dạng : Sách nói / Sách PDF
Số trang : 76
Lượt xem/nghe : 6439
Lượt đọc : 3117
Lượt tải : 1099
Lượt xem Review : 289
Kích thước : 388 KB
Tạo lúc : Sun, 02/10/2022 17:11
Cập nhật lúc : 17:15pm 22/11/2022
Độc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Những Ngày Thơ Ấu PDF của tác giả Nguyên Hồng nếu chưa có điều kiện.
Tất cả sách điện tử, ebook trên website thuviensach.vn đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.
Cám ơn sự hỗ trợ, động viên để duy trì và phát triển website. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank
Bài Trước Đó | Bài Tiếp Theo |